Đọc tờ báo An ninh Thế giới số 765 (thứ 4) ngày 18/6/2008 có bài về chuyện về nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Nguyệt Tú in Báo Phụ nữ Việt Nam số 1 ở ấp Đồi Cháy năm 1948 ở chiến khu Việt Bắc, tôi nhớ lại kỷ niệm xưa. Đó là ngày Cơ quan phụ nữ TƯ phân công tôi đi phát hành Báo Phụ nữ Việt Nam số 1 đến trạm giao thông khu vực giáp ranh vùng địch hậu Bắc Giang.
Đầu năm 1948, tôi mới được TƯ Hội đón ở trại mồ côi về cơ quan. Các chị lãnh đạo cho tôi làm giao thông liên lạc và phục vụ chị Hoàng Ngân (1), chị Lê Thị Xuyến (2). Năm ấy, Cơ quan phụ nữ TƯ đóng trụ sở ở nhà dân thuộc chân núi Hồng, gần đèo Khế, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tháng 8/1948, chị Thanh Thủy (Đảng đoàn phụ nữ TƯ) và chị Hải Viên bảo tôi: “Em chuẩn bị gánh 2 cái “dậu” Báo phụ nữ số 1 đến trạm giao thông khu vực đầu tỉnh Bắc Giang để phát hành đi các khu hội”.
Nói gánh 2 cái “dậu” báo, tôi tưởng nhiều và nặng lắm nhưng khi tôi soạn lại 2 cái dậu báo, đếm chỉ vẻn vẹn có gần 40 tờ. Tờ báo nào cũng cuốn tròn, không thấy đề chữ đưa cho khu hội nào. Tôi hỏi chị Thanh Thủy:
- Không đề địa chỉ thì em đưa cho ai?”
- Em cứ gánh đến trạm giao thông đưa cho đồng chí trưởng trạm, các anh ấy sẽ biết cách phân phối cho các khu hội phụ nữ.
Tôi nghĩ thầm chắc là để giữ bí mật nên tôi không hỏi lại nữa. Khoảng 9 giờ sáng hôm ấy, tôi bắt đầu gánh 2 dậu báo đi phát hành. Trên mặt 2 dậu báo che kín mảnh áo tơi rách xin được của nhà dân để đề phòng nắng mưa. Trước khi đi cơ quan cho tôi 10đ tiền giấy đỏ, một nắm cơm, chút vừng. Tôi mặc cái quần đen, áo cánh chàm xanh, chít khăn vuông đen trông giống như thiếu nữ dân tộc Thổ gánh đôi dậu đi chợ quê. Tôi đi theo một đồng chí nam giới ở trạm giao thông thống nhất TƯ, ra đi từ Núi Hồng qua Phú Minh - Đại Từ - Cầu Gia Bẩy đến thị xã Thái Nguyên đã sẩm tối. Hai anh em chúng tôi nghỉ chân ở vệ đường và ngả cơm nắm ra ăn, nghỉ một lúc lại bắt đầu đi. Đêm ấy trời trăng sáng tỏ, đi trên đường đê mương thủy lợi cảm thấy thoáng mát như ông trăng, sao soi đường cho cô giao thông để đi đến nơi về đến chốn.
Gần 2 - 3 giờ sáng thì đến trạm giao thông. Từ trên bờ mương đê thủy nông, chúng tôi rẽ trái đi tít mãi vào trong rừng già thuộc đất tỉnh Bắc Giang. Vừa bước chân đến trạm tôi thấy các anh chị giao thông viên thắp đèn dầu đang soạn công văn tài liệu để phân phối đi các nơi. Thấy tôi còn ít tuổi, lại gánh 2 cái dậu, các anh chị xúm lại hỏi tôi:
- Em gánh gì đấy?
Lúc ấy tôi rất mệt và đói, tôi chỉ trả lời:
- Em đi phát hành Báo Phụ nữ Việt Nam số 1 đến trạm.
Thấy tôi nói Báo Phụ nữ số đầu tiên của Hội phụ nữ, các anh chị bóc ra một cuốn đọc cho cả trạm nghe. Tờ báo giấy đen như cháo lòng nhưng in chữ rất rõ nét, bìa vẽ và minh họa ở mặt bìa rất đẹp. Gọi là tờ báo nhưng chỉ có khoảng 6 trang. Ở trang đầu là bức thư viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh in rất trang trọng gửi tới tổ chức Hội và động viên phong trào phụ nữ cả nước tham gia chiến đấu chống thực dân Pháp và sản xuất ở hậu phương, rồi đến bài xã luận của chị Hoàng Ngân...
Tôi giao báo cho trạm xong, có chữ ký của đồng chí Trưởng trạm (đã nhận đủ Báo Phụ nữ Việt Nam). Gần sáng, đồng chí Trưởng trạm giục tôi: “Cô đi về ngay, ở đây gần vùng địch hậu nó mà càn không biết đâu mà chạy”. Trước khi về, các đồng chí ở trạm giao lại cho tôi một nắm cơm, ít muối vừng để ăn đường.
Thấm thoát đã già nửa thế kỷ trôi qua. Nhà văn, nhà báo Nguyệt Tú và ban tòa soạn đã tâm huyết, trí tuệ in được tờ Báo Phụ nữ Việt Nam số 1 đầu tiên trên những nẻo đường kháng chiến gian khổ để động viên phong trào phụ nữ cả nước tham gia trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Có tờ báo rồi nhưng để phát hành được tờ báo từ chiến khu đến được tay bạn đọc phụ nữ ở khắp các vùng tự do, tạm chiếm, địch hậu, vùng núi cũng vô vàn gian nan.
(1) Hoàng Ngân (tên thật là Phạm Thị Vân), liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bí thư Đảng Đoàn Phụ nữ cứu quốc, Phụ trách Báo Phụ nữ Việt Nam và Văn phòng Hội LHPNVN giai đoạn 1948 -1950.
(2) Lê Thị Xuyến, Chủ tịch đầu tiên của Hội LHPN Việt Nam.