Sáng ngày 9/9, cầu Phong Châu nối 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ bất ngờ đổ sập khiến việc di chuyển của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, con đường ngắn và thuận tiện nhất để nhiều học sinh đến trường cũng bị "đứt đoạn" do sự cố.
Không giống với nhiều địa phương trên cả nước, do vị trí địa lý rất gần nên các trường THPT trên địa bàn huyện Lâm Thao và Phú Thọ có thể tuyển sinh chéo. Nghĩa là học sinh sống ở huyện Tam Nông có thể học tập tại các trường trên địa bàn huyện Lâm Thao và ngược lại.
Đó là một trong những nguyên nhân mà theo bà Bùi Thị Thanh Hà (Phó hiệu trưởng Trường THPT Tam Nông) cho biết toàn trường có 1.100 học sinh nhưng có đến 430 em hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện Lâm Thao. Trong khi đó, Trường THPT Long Châu Sa (thuộc huyện Lâm Thao) cũng có nhiều học sinh sinh sống trên địa bàn huyện Tam Nông theo học.
Trước đây, khi cầu Phong Châu chưa gặp sự cố, việc di chuyển qua lại giữa 2 huyện rất thuận tiện, với phương tiện xe đạp điện, học sinh chỉ cần di chuyển vài cây số để đến trường học.
Tuy nhiên, kể từ khi cầu Phong Châu sập, học sinh 2 huyện sẽ phải di chuyển ngược lên phía cầu Ngọc Tháp (thị xã Phú Thọ) với tổng quãng đường lên đến 70km. Cá biệt, nhiều trường hợp ở xã, quãng đường di chuyển có thể lên đến 50km mỗi chiều.
Thấu hiểu những khó khăn, nguy hiểm của học sinh khi đến trường bằng đường vòng, anh Bùi Văn Đà (34 tuổi, chủ doanh nghiệp vận tải ở xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao) đã nảy ra ý tưởng sẽ dùng xe ô tô của gia đình để phục vụ việc đưa đón miễn phí học sinh đang sinh sống trên địa bàn huyện Lâm Thao theo học tại Trường THPT Tam Nông từ nhà đến trường và ngược lại.
Vài tiếng sau khi cầu Phong Châu sập, anh Đà thông báo về ý định của mình trên mạng xã hội và nhận được sự đồng tình ủng hộ của rất nhiều người. "Hôm ấy sập cầu, bản thân tôi cũng theo dõi vụ việc. Chứng kiến sự cố trên, tôi nghĩ đến việc các em học sinh sẽ phải di chuyển rất xa mới đến được trường học. Trong khi đó, khi gặp mưa, gió, việc đến trường của các em sẽ càng vất vả hơn. Chính vì thế nên tôi đã bàn với vợ sử dụng 2 chiếc ô tô 16 và 45 chỗ của gia đình để đưa đón các em đến trường trong khi chờ cơ quan chức năng bố trí được phương án đi lại phù hợp", anh Đà chia sẻ.
Bên cạnh việc đăng tải thông tin trên mạng xã hội, anh Đà cũng liên hệ với phía nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh để xin ý kiến và đều nhận được sự đồng tình.
Từ khi cây cầu gặp sự cố đến nay, 2 chiếc xe của gia đình anh Đà chạy đều đặn mỗi ngày 3 lượt để đưa đón hơn 100 em học sinh đến trường. Tất cả các chi phí vận hành phương tiện trong thời gian trên đều do anh Đà tự bỏ tiền túi chi trả.
Sau khi thấy học sinh đến trường, anh Đà lại đỗ xe gọn vào một góc nhỏ, tìm chỗ nghỉ ngơi và chờ tan buổi học để tiếp tục đưa đón các em trở về nhà.
Ban đầu, anh Đà dự tính sẽ sử dụng xe của gia đình để phục vụ đưa đón các em học sinh trong khoảng thời gian 1 tuần. "Tuy nhiên, khi hết thời gian 1 tuần, cầu phao vẫn chưa được bắc xong, bản thân tôi cũng nhận được nhiều cuộc gọi của phụ huynh nhờ hỗ trợ đưa đón các em. Chính vì thế nên tôi quyết định sẽ đưa đón các em đến khi cầu phao được lắp xong và việc di chuyển đến trường của các em được ổn định", anh Đà chia sẻ.
Suốt quãng thời gian làm công việc đưa đón các em, anh Đà cho biết bản thân nhận được nhiều lời cảm ơn từ học sinh, các bậc phụ huynh và giáo viên cũng như nhiều người qua mạng xã hội.
Những lúc như vậy, anh Đà cảm thấy vui vì đã giúp một chút công sức của mình trong lúc người dân gặp khó khăn.
Bà Bùi Thị Thanh Hà (Phó hiệu trưởng Trường THPT Tam Nông) đánh giá cao sự việc làm của anh Đà để giúp các em di chuyển đến trường. Chính việc làm của anh Đà đã giúp việc học tập của các em không bị gián đoạn trong thời gian dài.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn