Cha mẹ nào cũng mong con học hành giỏi giang. Nhưng có một thực trạng là nhiều phụ huynh không căn cứ vào năng lực thực sự của con, luôn cố ép con cái học nhiều, học giỏi, phải đỗ trường chuyên, lớp chọn...
Khi con không đáp ứng được nguyện vọng, cha mẹ sẽ đe dọa với những lời lẽ như: "Học cho con chứ có học cho bố mẹ đâu?", "Giờ không chịu học sau này chỉ có đi bán vé số, nhặt ve chai"... Điều này không có ý nghĩa thúc giục mà còn làm ảnh hưởng đến tâm lý trẻ.
Mới đây, một bài viết của Yucixin - một bà mẹ, đồng thời là cây viết tự do ở Trung Quốc - đã chia sẻ quan điểm về vấn đề này và thu hút sự chú ý.
Sau đây là chia sẻ của bà mẹ này:
"Hôm trước, tôi đã đi xem bộ phim "Learning Dad". Có một vài cảnh tôi thực sự hơi nghẹn ngào. Người đàn ông trung niên ngồi cạnh tôi chắc cũng là bố. Tôi có thể cảm nhận rõ ràng anh ấy đang thổn thức nhiều lần.
Bộ phim này chủ yếu kể về một người cha đơn thân trong một gia đình bình thường, do nam diễn viên Hoàng Bột thủ vai. Muốn con học ở trường tiểu học tốt nhất ở địa phương, một mặt, ông đang cố gắng bán những đồ giá trị để mua một ngôi nhà trong khu học chánh. Mặt khác, ông buộc con tham gia đủ các kỳ thi tài năng hay văn hóa, bằng nhiều cách khác nhau để đạt mục tiêu đề ra.
Tất nhiên, cái kết của câu chuyện là đứa trẻ không vào trường nào gọi là danh giá mà theo học trường tiểu học gần nhà. Nhưng con của ông bố này cuối cùng vẫn được học hành tử tế và đạt kết quả tốt.
Trên thực tế, bộ phim này cũng là mô hình thu nhỏ của hàng nghìn bậc cha mẹ bình thường. Giống như người trong chúng ta, người bố muốn cống hiến hết sức lực và tiền bạc của mình để vào được một trường tốt và tìm được một công việc tốt. Từ đó, đứa trẻ sẽ sống một cuộc sống ổn định và hạnh phúc, nhưng điều này có phải là tuyệt đối?
Một số người có thể nghĩ rằng cuộc sống giàu có và nền tảng kinh tế vững chắc là cuộc sống mà họ hằng khao khát. Nhưng đối với những người khác, họ tin rằng sự phong phú của thế giới tinh thần và sự tự do của tâm hồn mới là cuộc sống đáng theo đuổi hơn. Không có đúng hay sai trong việc này, đó chỉ là lựa chọn cá nhân.
Nhiều bậc cha mẹ đầu tư rất nhiều thời gian, sức lực và tiền bạc để cho con cái họ sống một cuộc sống được gọi là hạnh phúc. Trên thực tế, cái gọi là con đường vào một ngôi trường danh tiếng này chỉ là con đường có hệ số rủi ro thấp nhất. Nhưng nó không đảm bảo rằng những đứa trẻ được nuôi dưỡng trên con đường này phải là những đứa trẻ xuất sắc, những đứa trẻ hạnh phúc.
Như người cha trong bộ phim, ông đã bán nhà và cửa hàng của mình chỉ để cho con được học ở một trường tiểu học tốt hơn. Cha mẹ đúng thật là nên dành thời gian, sức lực và tiền bạc cho việc học tập của con cái một cách có trách nhiệm. Nhưng tôi nghĩ mức chi tiêu hay mức độ nỗ lực nên nằm trong tầm tay thay vì hy sinh tất cả. Nó không phải là ném mọi thứ nguồn lực, năng lượng và tiền bạc của bạn vào đó.
Bởi vì tôi nghĩ rằng sự thành công của một đứa trẻ, động lực bên trong và khả năng tự chủ của trẻ chiếm ít nhất 80% tất cả các yếu tố cần thiết. Về phần nguồn lực đầu tư bổ sung do cha mẹ đưa ra, chỉ có thể chiếm 20% chứ không thể nhiều hơn. Đặc biệt đối với những gia đình bình thường, nếu cố gắng đến mức cố chấp thì áp lực cho cả cha mẹ và con cái.
Chưa kể, không phải đứa trẻ nào cũng có khả năng học giỏi nổi trội hay phù hợp với trường chuyên lớp chọn. Trong chuyên mục "Thiếu niên nói", từng có cô gái Tiểu Lê đến từ Thượng Hải, xuất thân trong một gia đình giàu có. Hơn nữa, cô là một học sinh xuất sắc từ khi còn nhỏ, thông minh và chăm chỉ. Sau đó, cô được nhận vào một trong những trường trung học cơ sở tốt nhất ở Thượng Hải. Xung quanh toàn là "học bá", nữ sinh cảm thấy một cảm giác khủng hoảng chưa từng có.
Vì vậy, cô bắt đầu thúc đẩy bản thân làm việc chăm chỉ hơn, mong muốn dành 24 giờ mỗi ngày để học. Ngoài bài tập ở trường, cô còn làm rất nhiều bài tập thêm, ngày nào cũng phải học đến 2-3 giờ sáng, thời gian ngủ thường không đến 4 tiếng. Đối với cô ấy, chỉ có không ngừng học hỏi mới cảm thấy mình đúng, bất kỳ trò giải trí, thư giãn nào cũng sẽ sinh ra áy náy, mặc cảm nặng nề.
Chỉ là một ngày, sợi dây buộc quá chặt đã bị đứt.
Chịu áp lực trong thời gian dài, Tiểu Lê mắc chứng lo âu và trầm cảm nặng, buộc phải nghỉ học và ở nhà. Nhưng bố mẹ cô không hiểu và liên tục thuyết phục con đi học để trở lại "đường đúng" càng sớm càng tốt. Kết quả là vào ngày thứ hai của năm học mới, Tiểu Lê đã trèo lên bậu cửa sổ của lớp học và định tự tử nhưng may mắn được cứu sống.
Đúng vậy, mọi người đều đã nhìn thấy nguồn lực và cơ hội của những ngôi trường danh tiếng, và họ đang cố gắng hết sức để gửi con mình đến đó để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, đằng sau mặt trời là bóng tối. Đằng sau không ít những ngôi trường danh giá là sự cạnh tranh khốc liệt, là áp lực khổng lồ khiến vô số trái tim bé nhỏ không thể chịu nổi.
Việc cha mẹ đau đầu chọn trường cho con là chuyện rất bình thường. Nhưng "giải pháp tối ưu" được cha mẹ lựa chọn kỹ càng có thực sự phù hợp với con? Thật sự muốn chọn trường cho con, không phải là tìm trường tốt nhất, mà là trường phù hợp nhất. Hãy tìm loại đất phù hợp cho con bạn để trẻ có thể thực sự bén rễ và phát triển.
Chúng ta không thể dùng cùng một thước đo để đo lường những cuộc đời khác nhau. Một số trẻ em thích côn trùng và mơ ước trở thành nhà sinh vật học, đó cũng là một mục tiêu vĩ đại. Một số trẻ em thích hoa và mơ ước sau này mở một cửa hàng hoa, đó cũng là một loại hạnh phúc.
Ví dụ, đôi khi tôi dọa con rằng nếu không học chăm chỉ, không vào được trường tốt con sẽ chỉ đi nhặt rác, sẽ không thể vào đại học. Thực sự, sau khi xem bộ phim này, tôi cảm thấy mình nói điều này rất không phù hợp.
Thực tế, có rất nhiều khả năng trong cuộc sống. Điều đó không có nghĩa là một đứa trẻ không thể vào đại học thì không thể có được cuộc sống hạnh phúc, trọn vẹn. Chúng ta nên tôn trọng sự độc đáo của chính trẻ".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn