Cuộc sống ở đây cũng đơn giản theo nhịp. Trong tuần, mọi thứ diễn ra chậm chậm, ngày dài lê thê và khu chợ thưa thớt khách. Nhưng cuối tuần thì mọi thứ thức dậy hối hả. Giá khách sạn nhà nghỉ tăng gấp đôi, các cậu choai choai chạy lên chạy xuống đồi trên những chiếc xe máy để bắt khách du lịch và chào bán phòng nghỉ. Công an Du lịch cũng chạy lên chạy xuống đồi để bắt các cậu trai. Người bán chuối và susu dạo cũng chạy lên chạy xuống đồi để bán hàng tận nơi, giao hàng tận khách sạn. Tiếng ga xe rầm rầm…
Hàng quán tấp nập xào nấu, bốc khói nghi ngút. Có bao nhiêu mít, su su, khoai tím… người ta mang hết ra chợ trung tâm chất thành đống. Khách du lịch, chủ yếu là các nhóm sinh viên vây quanh các mẹt trứng nướng, tiếng cười không dứt!
Hàng quán tấp nập xào nấu, bốc khói nghi ngút. Có bao nhiêu mít, su su, khoai tím… người ta mang hết ra chợ trung tâm chất thành đống. Khách du lịch, chủ yếu là các nhóm sinh viên vây quanh các mẹt trứng nướng, tiếng cười không dứt!
Vô số xe chở gà ở dưới Vĩnh Phúc cũng chạy lên Tam Đảo, giả vờ là gà núi. Các sạp thịt bầy đầy thịt lợn không phải lợn nhà cũng chẳng phải lợn rừng, da lợn được thui cháy vàng…
Khách du lịch lên từng đoàn lớn, hoặc từng gia đình trong các chiếc xe 4 chỗ 7 chỗ đủ giá tiền. Xe tải cũng lên, chở theo xà gồ, cột kèo để xây dựng những công trình mới… CD club cũng lên. Những chiếc bô xe CD gầm lên ầm ĩ và phô trương làm khách du lịch và dân địa phương dạt sang hai bên đường. Rồi Cào cào cũng lên, rú rít vít ga chạy vèo vèo qua các con phố nhỏ xíu… Người lắc đầu nhìn theo, trẻ con hét lên khóc…
Tối thứ 7, chợ trở thành phố nướng, quán cafe karaoke ngoài trời hoạt động hết công suất, sàn nhảy đèn màu lung chiêng. Tiếng hát vang lên tận núi, chui vào trong phòng nghỉ âm ẩm…
Sáng Chủ nhật, khách du lịch đổ đi ăn sáng rồi lại đổ xuống núi. Mới 8 – 9 giờ sáng mà giao thông đã sôi động với tiếng còi xe pim pim, tiếng lốp xe nghiến đường kèn kẹt. Tốp thứ 7 đi thì tốp khách Chủ nhật lại lên. Cứ như thế, Tam Đảo chóng mặt!
Tôi mang theo một cuốn sách mua đã lâu mà chưa đọc trang nào – The History of Love – cuốn sách cần một chút yên tĩnh để đọc, để nối theo nhịp của các lớp nhân vật chồng lên nhau vì vậy tôi cứ lần lữa mãi chưa đọc. Sách gói trong ni lông vậy mà gáy giấy đã lấm tấm mốc vàng.
Hai ngày, ngoài lúc nằm ườn trên giường để đọc, thì tôi lại vác sách ra ban công, từ đây tôi nhìn trọn 3 mặt của Tam Đảo, nhìn rõ cuộc sống đang diễn ra bên dưới kia. Chợ, quán ăn, bể bơi, nóc nhà thờ, các ruộng su su bò lên tận lưng chừng núi… Ngồi chán, tôi xách túi đi xuống chợ, ghé quán cafe xinh xinh, ngồi dưới tán ô che nắng rồi gác chân lên ghế nhâm nhi cafe, đọc sách hoặc ngắm người đi đường.
Tôi thích nhìn các đôi tình nhân, họ đều trẻ. Có đôi anh chàng to như con voi còn cô gái bé xíu… Chàng khoác vai nàng mà giống như đang bóp cổ nàng kéo lê về phía trước, nhìn từ xa thấy thương cô gái gì đâu, nhưng đến gần nhìn mặt cô rạng rỡ, miệng cô cười tươi. Có đôi khác cô gái gầy nhẳng và bé nhỏ nhưng mặc chiếc áo quây mầu hồng thun, ngực cô phẳng đến mức chiếc áo chỉ chực tuột ra… gió lạnh hun hút thổi nhưng có vẻ cô không lạnh vì chàng trai chốc chốc lại nhìn sang cô toét cười.
Có đôi nghệ sỹ nhiếp ảnh thì không ngừng hái hoa bắt bướm, cài chục bông dâm bụt lên đầu cười ngất ngư. Máy ảnh bấm tóe lóe. Có đôi đi chụp ảnh cưới, cô dâu mặc đầm trắng chân đi dép tông váy xách đến gối. Chú rể đội mũ Mexico 7 màu, bộ vét hơi nhầu… Đám lâu la đi theo sau mang nào hắt sáng nào máy to, ống dài… Hạnh phúc được ghi dấu từ ngày hôm nay.
Gió cứ thổi bạt mây và hơi lạnh xuống núi rồi mặt trời lại ló ra. Khí hậu se lạnh. Cafe nhâm nhẩm đắng! Quá trưa, vô tình nhìn thấy cậu bạn cũ lái xe lên cùng bạn gái. Ríu rít cười, đỗ xe ngay quán mình ngồi! Có thể mà cũng không có thể là nhìn thấy nhau. Mình nhắn một cái tin lãng xẹt: he he! Máy rung… tin nhắn đến, bạn nhắn lại “he he“.
Ngày cứ thế trôi chầm chậm cho đến 3 giờ chiều Chủ nhật. Phố lại vắng dần… 6 giờ chiều, tôi lên xe đổ dốc xuống núi. Bỏ lại sau lưng thị trấn đã vội đi ngủ để lấy lại sức sau 2 ngày bận rộn. Dù sao tôi cũng thích quan sát những cuối tuần như thế!