1. Tối giữa tuần, tôi điện thoại cho họa sĩ Đặng Ái Việt: "Cô ơi, cô có đang ở Sài Gòn không, con muốn gặp cô trò chuyện xíu". "Gặp nhau hả, được ngay con ơi. Con lên ngay đây với cô". "Vậy cô đang ở đâu để con chạy tới?". "Cô đang ở Tây Ninh nè!". Trời, muốn xỉu. TPHCM – Tây Ninh cách nhau hơn 100 km, chứ đâu phải vị trí phố kế bên. Nhưng rồi chợt hiểu ra ngay. Với nữ họa sĩ Đặng Ái Việt, thì ở đâu cũng là gần gụi cả. Cô đã từng chạy chiếc xe Chaly nhỏ xíu đi đủ khắp 63 tỉnh, thành rồi. Kỷ lục châu Á, kỷ lục Guiness Việt Nam đã chứng nhận đủ cả rồi. Và đâu phải nữ họa sĩ tà tà chạy xe rong chơi. Bà đi khắp Việt Nam để vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng. Từ TPHCM chạy xuyên Việt ra Hà Nội, lên vùng rừng núi Tây Bắc cũng bằng xe gắn máy nhỏ xíu ấy, thì TPHCM – Tây Ninh có hơn 100 km, cũng có đáng kể gì đâu.
Tất nhiên, rồi tôi cũng gặp được họa sĩ Đặng Ái Việt khi cô quay trở lại TPHCM vào cuối tuần. Chỉ có hơn 1 ngày ở trong nhà để dọn dẹp nhà cửa, thắp nhang cho người chồng quá cố, NSND – đạo diễn Phạm Khắc, là bà lại sắp xếp đồ đạc để quay trở lại Tây Ninh liền. Chiếc xe Chaly ngày trước bà vẫn chạy, đã được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam "giữ lại" để trưng bày. Được người quen giới thiệu, giờ bà mua được chiếc Cup "cánh én" đời những năm 1979-1980 của thế kỷ trước. Xe cũ nên máy móc bị hư vài chỗ, đã được gửi ra tiệm sửa xe đầu đường bảo dưỡng, thay dầu nhớt.
Vừa vào tới nhà thăm nữ họa sĩ được chút, thì thợ sửa xe chạy mang tới. Bà vui lắm, nói: "Đây, cô đã chuẩn bị sẵn các đồ để mai lại chất đồ vào xe lên đường rồi đây. Gạo đã để sẵn vào trong ruột tượng, nước tương cũng đã đổ vô hũ mang theo, nồi cơm điện và quần áo cũng đã sẵn sàng hết. Tới các nhà trọ, nếu gần nơi thị tứ thì sẽ có quán cơm bình dân, quán cháo gà cháo vịt để ăn. Nhưng cũng có khi tới nhà mẹ Việt Nam anh hùng ở các vùng sâu xa hơn, nhà trọ nhà nghỉ thì có, mà quán ăn lại xa, nên cô phải mang gạo theo. Con thấy ruột tượng chắc nịch này chưa, đủ để cô ăn những bữa lỡ độ đường. Thời xưa chiến đấu, gạo cũng để trong ruột tượng, giờ cô cũng đang "chiến đấu" nè. Chiến đấu với thời gian, với tuổi tác, với nhiều khó khăn khác để kịp vẽ chân dung nhiều nhất các Mẹ Việt Nam anh hùng".
Vừa nói, bà vừa soạn lại đồ đạc, và lấy các bức tranh đã vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng tại Tây Ninh ra cho khách coi. Sáng ngày mai, nữ họa sĩ lão thành 72 tuổi này lại lên đường, "chinh chiến" trên "con ngựa sắt" để tiếp tục hoàn tất sứ mệnh của mình!
2. "Sứ mệnh vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng, là do tôi tự nhận lấy, chứ không có cơ quan đoàn thể nào phân công cả. Hội Mỹ thuật, Hội LHPN Việt Nam không có phân công gì. Tuy nhiên họ đã hỗ trợ gửi giấy giới thiệu cho các cơ quan ngành dọc đủ 63 tỉnh, thành dùm tôi. Khi tôi tới gặp các Mẹ, có Mẹ hỏi: ai phân công bà đi vẽ vậy. Tôi trả lời: Trái tim tôi phân công. Tôi sẽ vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng khi trái tim tôi còn đập trong lồng ngực", nữ họa sĩ lão thành kể lại câu chuyện trong cái nắng trưa Sài Gòn chiếu hắt vào tới tận phòng khách. Trên tường khắp nhà không còn chỗ nào còn trống, vì treo đầy các Bằng khen, Giấy khen, các hình ảnh, kỷ niệm chương của bà và chồng, cố đạo diễn – NSND Phạm Khắc.
Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt đã thực hiện công việc "từ trái tim ấy" bắt đầu từ năm 1995. Theo Pháp lệnh 94, những năm đó, Việt Nam có khoảng 47 ngàn Mẹ Việt Nam anh hùng. Và mọi sự chuẩn bị cho dự án để đời đó đã được nữ họa sĩ lên kế hoạch đầy đủ. Bà đã đi, đã gặp gỡ và đã vẽ với niềm biết ơn, kính trọng với các Mẹ, các liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc.
Năm 2007, NSND Phạm Khắc đột ngột qua đời khiến bà chới với. Xếp lại nỗi đau, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt quyết tâm đi theo dự án đã được thực hiện. Bà nói: "Việc hôm nay chớ để ngày mai". Và cách mà bà chạy xe gắn máy khắp 63 tỉnh, thành để vẽ chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng, đã mang tính chất quá đặc biệt với 1 tâm thế vừa tình cảm vừa sắt đá.
Năm 2013, Nghị định 56 tri ân người có công với cách mạng, đã truy và phong tặng anh hùng cho các Mẹ có gia đình 2 người là liệt sĩ. Theo đó, có khoảng 130 ngàn Mẹ đã được nhận danh hiệu này. Họa sĩ Đặng Ái Việt đã đi vẽ các Mẹ theo danh sách cập nhật ở Nghị định 56, trong số 13 ngàn Mẹ thì khoảng 4.000 Mẹ hiện vẫn còn sống. Cho tới thời điểm này, nữ họa sĩ lão thành đã vẽ hoàn tất 2.348 bức chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng. Và với sự khắc nghiệt của thời gian, nên bà phải tận dụng tối đa từng chút phút giây, chạy đua với thời gian. Không biết khi nào thì dừng lại. Không biết việc gì xảy ra phía trước. Chỉ là sự thôi thúc của dòng máu đỏ trái tim và tình yêu con người và đất nước Việt Nam, đã đẩy nữ họa sĩ ở tuổi "thất thập cổ lai hy" băng băng trên xe gắn máy. Anh linh các liệt sĩ hẳn đã chứng giám tấm lòng và tình yêu của bà, nên đã bảo vệ bà trên từng cây số đường trường xa ngái...
3. "Mỗi tình yêu đều có nội hàm khác nhau. Tôi yêu Tổ quốc. Các dì các mẹ Hội LHPN Giải phóng đã dạy và truyền cho tôi tình yêu ấy. Cô Ba Định, cô Sáu Tuyết, cô Tám Thanh, cô Ba Thy, và tôi chỉ là đang trả bài cho các dì đã chỉ dạy cho mình mà thôi", nữ họa sĩ Đặng Ái Việt trải lòng. Với bà, công việc đã và đang làm là nghệ thuật chính trị, là trách nhiệm của người con với đất nước. Khi vẽ chân dung các Mẹ, cảm xúc không phải là sự thăng hoa nghệ thuật đơn thuần. Cảm xúc đó là của trách nhiệm. Người họa sĩ đã nhờ nghề nghiệp của mình để trả ơn cuộc đời.
Thông thường, nếu đi các tỉnh gần TPHCM, thì khoảng 15-30 ngày, nữ họa sĩ lão thành sẽ quay trở về nhà 1 lần. Còn nếu đi các tỉnh xa hơn, ở miền Trung, ở miền Bắc, thì khoảng 6 tháng mới lại có dịp quay trở về. 3 cậu con trai của bà ai cũng có chìa khóa căn nhà của má. Khi rảnh rỗi, hoặc lúc má đi vắng, các con của bà mở cửa dọn dẹp dùm bà, để lịch họp chi bộ được diễn ra ngay tại nhà bà vẫn thông suốt, ổn định. Các con trai cũng thường về để thắp hương cho ba. Nhờ vậy, mà nữ họa sĩ Đặng Ái Việt yên tâm rong ruổi trên các cung đường tới nhà các Mẹ Việt Nam anh hùng ở khắp mọi nơi trên cả nước. "Mỗi ngày tôi thường đi khoảng 250 km, và cứ 2 tiếng thì tôi nghỉ ngơi để xe bớt bị nóng máy. Tới gặp gỡ, chuyện trò với các Mẹ và vẽ. Tôi phải đi mê mải như vậy, có khi 1 ngày đi được 2 tỉnh lận, vì thời gian của tất cả chúng tôi không còn nhiều nữa", nữ họa sĩ lão thành cho biết. Các con của bà biết má đi như vậy vất vả lắm nhưng vì việc nghĩa mà má đang theo đuổi nên cũng không cản được.
Chụp hình nữ họa sĩ Đặng Ái Việt bên chiếc xe gắn máy quá đáng nhớ, chỉ cầu xin bà luôn chân cứng đá mềm trong những tháng ngày và cung đường sắp tới. Công việc, tính cách và tâm tưởng của bà, xứng đáng là Nữ Anh hùng thời bình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn