Tôm hùm đất-kẻ xâm lăng hệ sinh thái châu Âu

20:15 | 22/05/2019;
Với khả năng sinh sản vô tính (có thể tự nhân bản chính mình) và đặc tính hung hãn, phàm ăn, tôm hùm đất đang trở thành nỗi khiếp đảm với hệ sinh thái châu Âu. Hiện loài sinh vật này bị Liên minh châu Âu liệt vào loại cấm sở hữu

Cuộc đổ bộ châu Âu từ cửa hàng thú cưng

Với nhiều loài vật, để xác định được thời gian ra đời, các nhà khoa học phải nghiên cứu từ hóa thạch và trình tự DNA. Nhưng với tôm hùm đất, các nhà nghiên cứu có thể khẳng định chúng xuất hiện ở châu Âu từ năm 1995.  

amerikanischer-sumpfkrebs-im-tiergarten-berlin-3.jpg
Các nhà nghiên cứu kinh ngạc khi phát hiện ra khả năng nhân bản vô tính của loài tôm hùm đất.

 

Giáo sư Frank Lyko, nhà sinh vật học công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Đức, đã bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu về loài tôm hùm đất ở châu Âu.

Theo nghiên cứu của Frank Lyko, tôm hùm đất trở nên nổi tiếng trong giới thích chơi sinh vật cảnh Đức hồi cuối những năm 1990. Báo cáo đầu tiên về việc mua bán tôm tới từ một người chơi thú cảnh, kể với chính giáo sư Lyko về việc ông mua một con tôm hùm đất Texas (Mỹ) vào năm 1995. Nhân vật được giáo sư Lyko giấu tên đã bất ngờ trước kích thước lớn của con tôm và trước lượng trứng nó đẻ mỗi lần. Một lần "nhảy ổ", con tôm có thể cho ra tới vài trăm quả trứng.

Tôm ngày một nhiều, ông mua tôm bắt đầu cho bớt bạn bè mình. Chẳng mấy chốc, tôm hùm đất vân cẩm thạch, "marmorkreb" trong tiếng Đức, xuất hiện ở vô số cửa hàng bán thú cảnh. Số tôm càng nhiều, dấu hỏi người ta đặt ra cho chúng càng lớn: Dường như con tôm không giao phối mà vẫn đẻ được trứng! Hậu duệ tôm toàn là con cái, mà cứ đến tuổi trưởng thành là sẵn sàng đẻ trứng.

Năm 2003, các nhà khoa học xác nhận loài tôm hùm đất vân cẩm thạch có khả năng tự nhân bản chính mình. Họ giải mã trình tự gene con tôm, tìm ra được những điểm tương đồng của loài với tôm hùm đất Procambarus, sống tại Bắc và Trung Mỹ.

Hóa ra nó tiến hóa từ loài tôm hùm đất bùn Procambarus fallax, chỉ sống tại nhánh sông Satilla thuộc Florida và Georgia, Mỹ. Các nhà khoa học kết luận nguồn gốc của giống tôm đột biến xuất hiện khi hai con tôm hùm đất bùn giao phối. Một trong số chúng đã có tế bào sinh dục bị đột biến. Sự đột biến này đã dẫn đến khả năng tự nhân bản của loài tôm hùm mới này. 

tom-hum-dat-xam-lang-he-sinh-thai-2.jpg
Tôm hùm đất xuất phát từ một người buôn bán thú cưng và được mua nhiều về làm thú cưng vì khả năng nhân bản của chúng đã thành đại họa với châu Âu.

Các nhà khoa học đã chính thức có mô tả đầy đủ về giống tôm này vào năm 2003, xác nhận tôm hùm đất có khả năng sinh sản đơn tính. Theo đó, tất cả các con tôm hùm đất đều là con cái và chúng có thể tự sinh sản. Với cách nhân bản vô tính này, tốc độ tăng trưởng của tôm hùm đất nhanh khủng khiếp.

Các nhà nghiên cứu đã cố gắng cảnh báo về sức tàn phá của loài tôm này khi đánh giá: Loài này có thể gây ra một "mối đe dọa sinh thái tiềm tàng” có thể “vượt qua các loài bản địa ngay cả khi một con duy nhất được thả vào các hồ và sông ở châu Âu”. Tuy nhiên, lời cảnh báo đó dường như đã bị phớt lờ.

Chính những người chủ thú cưng đã vô tình đổ những con tôm hùm đất xuống ao hồ tại Đức sau khi chúng sinh sôi nảy nở quá nhanh. Tôm nhanh chóng "đánh chiếm" châu Âu và bắt đầu lan sang các lục địa khác. Nó tới Madagascar (thuộc châu Phi) năm 2007, tự nhân giống lên tới hàng triệu cá thể và đe dọa tới các loài tôm bản địa. Và giờ đây, quần thể tôm hùm đất này đã được tìm thấy nhiều quốc gia như Croatia, Cộng hòa Séc, Hungary, Thụy Điển, Ukraine và Nhật Bản.

Xâm lăng hệ sinh thái

Chỉ trong vòng một thập niên, tôm hùm đất đã nhân bản với tốc độ chóng mặt. Cụ thể, chỉ riêng tại Madagascar, các nghiên cứu sinh thái cho thấy phạm vi của tôm hùm đất đã mở rộng từ 1.000km2 lên 100.000km2 chỉ trong khoảng 10 năm (tăng 100 lần).

header-crayfish1.jpg
Tôm hùm đất có khả năng sinh sản cực "khủng".

 

Sự tăng trưởng kinh hoàng của tôm hùm đất đã khiến chính quyền Madagascar lo ngại rằng nó sẽ đe dọa cho các loài cá và tôm càng khác, thậm chí có thể gây thiệt hại cho việc trồng lúa gạo của đất nước.

Cụ thể, tại đây, tôm hùm đất đang đe dọa sự tồn tại của 7 loài tôm càng khác vì quần thể của nó tăng rất nhanh và nó sẽ ăn bất cứ thứ gì có thể, cạnh tranh thức ăn và không gian sống.

Ngoài ra, sự “xâm lăng” của tôm hùm đất còn gây lo ngại nếu nó mang mầm bệnh hoặc vi sinh vật có thể gây bệnh, làm tê liệt các quần thể tôm càng nước ngọt khác. Tại Thụy Điển, các mẫu tôm hùm đất thu được qua thử nghiệm đều âm tính với các mầm bệnh như bệnh dịch hạch tôm càng. Tuy nhiên, tôm hùm đất này không phải là một phần của hệ sinh thái Thụy Điển và không rõ liệu nó có mang vi sinh vật có thể gây hại cho các loài ở Thụy Điển hay không. Vì vậy, nước này đã thực hiện một số biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của tôm hùm đất. Theo các chuyên gia, một khía cạnh quan trọng của việc này là xác định vị trí của loài tôm hùm đất này và số lượng còn tồn tại.

Vì tính phá hoại của mình, tôm hùm đất hiện bị Liên minh châu Âu liệt vào danh sách cấm sở hữu, phân phối, bán hoặc thả ra tự nhiên.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn hỏa tốc gửi các tỉnh, thành phố, Tổng cục hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường về việc tăng cường kiểm soát loài tôm càng đỏ tại Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong thời gian gần đây có tình trạng tôm càng đỏ (Cherax quadricarinatus, còn gọi là tôm hùm đất) được đưa vào Việt Nam để tiêu thụ làm thực phẩm tại một số địa phương.

Đây là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức sống chịu và thích nghi cao.

Loài tôm càng đỏ không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là loài ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản. 

Để tránh tác động đến sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các tỉnh, thành phố và cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật với các trường hợp vi phạm; tuyên truyền phổ biến về tác hại của loài tôm càng đỏ đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp, ngăn chặn sự phát triển của loài này ra môi trường tự nhiên...

Khi phát hiện có phát tán ra môi trường phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm càng đỏ theo quy định về đa dạng sinh học.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn