Một câu chuyện có thật ở Trung Quốc khiến nhiều bậc cha mẹ có con đi du học phải trầm ngâm, suy nghĩ. Theo đó, một bà mẹ ở "đất nước tỷ dân" chia sẻ lại tình cảnh tréo ngoe của gia đình như sau:
Gia đình tôi ở Tế Nam (tỉnh Sơn Đông). Dù không quá giàu có nhưng vợ chồng luôn cố gắng dành mọi điều tốt đẹp nhất cho con gái, đặc biệt là đầu tư về mặt giáo dục. Chúng tôi có thể chi tiêu tằn tiện đến mấy cũng được, miễn là dọn đường cho tương lai của con.
Để cho con gái đi du học, vợ chồng tôi đã không ngại bán đi căn nhà ở gần hồ Đại Minh có giá tới 6 triệu NDT (khoảng hơn 20 tỷ đồng). Cũng may là việc học của con rất thuận lợi, sau 5 năm du học đã mang được tấm bằng về nước.
Ban đầu, tôi cứ nghĩ con mình học vấn cao, có cái mác du học như thế thì về nước chẳng thiếu việc lương "ngon". Nhưng thực tế thì ngược lại!
Con gái tôi đi du học về nhưng lại chỉ tìm được công việc trái ngành học có mức lương... 1.000 NDT (gần 3,5 triệu đồng). Đó là điều mà tôi không thể ngờ tới. Quá xót xa, phũ phàng và không cam lòng!
Phải biết rằng vì tương lai của con, chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều tiền, không ngờ kết quả lại chỉ được như vậy. Con gái tôi nói rằng, tiền lương có thể được tăng, nhưng tính chất công việc hiện tại khiến con không hài lòng, không phát huy được giá trị bản thân. Những thứ học được ở nước ngoài không có đất dụng võ.
Đọc xong câu chuyện của bà mẹ này, nhiều cư dân mạng Trung Quốc cho rằng: Trong công việc, điều được coi trọng không phải bằng cấp cao mà là năng lực của bản thân. Hiện nay du học sinh rất nhiều, tìm được công việc tốt chẳng hề dễ dàng. Muốn có việc tốt, không phải chỉ dựa vào bằng cấp.
Thực tế, câu chuyện của gia đình ở Tế Nam này không phải trường hợp duy nhất cho con đi du học rồi về nước vỡ mộng vì lương thấp, khó xin việc. Từng có trường hợp một thanh niên đi du học ở Đại học Iowa (Mỹ) hết 1,4 triệu NDT (khoảng 4,7 tỷ đồng) nhưng về nước cũng chỉ xin được việc có mức lương 4.000 NDT (khoảng 13 triệu đồng) - mức lương không hề nổi trội so với những người tốt nghiệp đại học trong nước. Thậm chí, anh này còn bị chủ doanh nghiệp "nhắc nhở": "Đừng nghĩ đi học về là cao cấp hơn người trong nước".
Không chỉ ở Trung Quốc, nhiều gia đình ở các quốc gia khác cũng gặp phải tình trạng như vậy khi cho con đi du học.
- Thứ nhất: Du học sinh trở về nước có nhiều tham vọng hơn
Nhiều du học sinh sau khi về nước cho rằng với bằng cấp của mình vào phải làm được ở một công ty, tập đoàn lớn và không để những công ty bình thường vào mắt. Chính vì tham vọng cao đó khiến nhiều người loay hoay không tìm được việc trong một thời gian dài. Cuối cùng họ chỉ có thể tìm được một số công việc ở thu nhập thấp.
- Thứ hai: Thiếu kinh nghiệm làm việc, kiến thức chuyên môn chưa đủ vững chắc
Gia đình có điều kiện nên nhiều cha mẹ sẵn sàng cho con đi du học. Nhưng sau khi về nước, con họ thậm chí không nói nổi tiếng Anh trôi chảy chứ đừng nói đến kiến thức chuyên môn.
Hơn nữa, một số công ty trong nước yêu cầu du học sinh phải có kinh nghiệm làm việc nhất định. Những du học sinh này mới tốt nghiệp, thiếu kinh nghiệm vì vậy không được các công ty quan tâm nhiều.
- Thứ ba: Chuyên ngành học không phù hợp
Nhiều cha mẹ cho con đi du học nhưng lại không suy xét kỹ đến ngành học đó có phù hợp với thị trường lao động trong nước hay không. Đến khi trở về, du học sinh tìm việc khó khăn vì ngành học không phù hợp. Nhiều người phải quay sang làm trái ngành, trái nghề và lương tất nhiên cao.
Đây chính là những thực trạng mà rất nhiều du học sinh gặp phải. Việc du học tất nhiên sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các bạn trẻ, được mở mang tri thức, mở rộng tầm nhìn,... nhưng trước khi quyết định cho con đi du học, các bậc cha mẹ cần lên kế hoạch kỹ lưỡng, suy xét nhiều mặt, tranh để trường hợp tiền mất tật mang.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn