Chương trình Tin Dùng Việt Nam diễn ra trong suốt 10 tháng, từ tháng 1/2021 đến 11/2021 với 5.971 sản phẩm - dịch vụ được bình chọn, đề cử. Ban tổ chức chương trình đã nhận lại được 31.242 phiếu bình chọn, 81.063 ý kiến đánh giá trực tuyến.
Các sản phẩm - Dịch vụ bình chọn được chia theo 7 nhóm ngành chính như: chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; Ngân hàng - Tài chính - Bảo hiểm; Nông sản - Thực phẩm - đồ uống; Làm đẹp - mỹ phẩm - Thời trang; Thiết bị gia dụng nội - ngoại thất; Bất động sản - Vật liệu Xây dựng; Thương mại điện tử, giáo dục & Dịch vụ số.
Vượt qua hàng nghìn đề cử trong suốt 10 tháng khảo sát, Lễ công bố và vinh danh Top 10 các nhóm ngành sản phẩm - dịch vụ Tin Dùng năm 2021, với chủ đề Vượt bão: sáng tạo để thích nghi, được tổ chức là dịp để mỗi doanh nghiệp bằng câu chuyện thực tế của mình chia sẻ kinh nghiệm về kế hoạch và chiến lược kinh doanh, thích ứng "sống chung với dịch" để tiếp tục phát triển kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp hợp tác với nhau theo mô hình kinh tế chia sẻ, mỗi bên đều có điểm mạnh riêng, hỗ trợ nhau cùng vượt qua thời điểm khó khăn.
Năm 2021 là năm đầu tiên chương trình Tin Dùng Việt Nam 2021 kết hợp với Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Quỹ Đầu tư công nghệ tương lai và Ban phát triển thị trường Techfest Connect (trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Techfest quốc gia 2021) công bố và vinh danh Top 10 sản phẩm - dịch vụ Triển vọng Tương lai.
Đây là những thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ tuy mới xuất hiện trên thị trường nhưng đã tận dụng rất tốt các lợi thế về khoa học và công nghệ để tạo nên những sản phẩm - dịch vụ hiện đại, chất lượng, phù hợp với xu thế thời đại. Bất chấp đại dịch Covid-19, những sản phẩm - dịch vụ này vẫn chứng minh được triển vọng phát triển của mình trong tương lai gần.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học & Công nghệ, đánh giá: Những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử phát triển của nhân loại, làm ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu. Thách thức của dịch bệnh cũng chính là thời cơ để các doanh nghiệp có thể chứng minh tiềm lực của mình, thúc đẩy sự sáng tạo, áp dụng công nghệ 4.0 nhằm tạo ra sức bật mới trong sản xuất và phát triển kinh doanh. Những nỗ lực vượt bão, sáng tạo để thích nghi của các doanh nghiệp sẽ là những tín hiệu khả quan về phục hồi kinh tế. Đây là cơ sở thực tiễn để chúng ta có thể lạc quan về một sự phục hồi và bứt phá trong thời gian tới.
Dịch Covid-19 kéo dài đã gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều địa phương. Nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề khi GDP quý 3/2021 giảm 6,17% là mức giảm sâu nhất từ trước tới nay và trong 9 tháng chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,7%). Trong đó du lịch lữ hành chịu ảnh hưởng nhiều nhất với mức giảm tới 64%. Tiếp đến là sự sụt giảm của dịch vụ lưu trú và ăn uống với mức giảm 22,1%, bán lẻ hoàng hóa giảm 3,4%...
Xét theo ngành hoạt động, trong doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2021 chỉ có ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 5%; còn lại các ngành phương tiện đi lại giảm 6,4%; may mặc giảm 9,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 10%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 10,5%...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn