Tôn vinh đàn bầu trong Festival Âm nhạc mới Á - Âu 2016

07:41 | 06/10/2016;
Điểm mới của Festival Âm nhạc mới Á - Âu 2016 là đưa nhạc cụ dân tộc Việt Nam vào trong nhiều tác phẩm, đặc biệt là đàn bầu.
hai-phuong.jpg
Đàn bầu Việt Nam sẽ được tôn vinh trong  Âm nhạc mới Á - Âu 2016

Festival Âm nhạc mới Á - Âu 2016 sẽ được tổ chức cùng Hội nghị Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 34, diễn ra từ ngày 12 đến 18/11/2016 tại Hà Nội và Vĩnh Phúc. Với chủ đề Âm nhạc – Hội tụ và lan tỏa, Festival bao gồm chuỗi chương trình hòa nhạc, từ Giao hưởng, Thính phòng, Nhạc kịch, Vũ kịch, Hợp xướng đến ca khúc nhạc đại chúng. Tiêu chí của Festival là giới thiệu những tác phẩm mới sáng tác trong những năm gần đây của các nhạc sĩ tiêu biểu cho các trường phái âm nhạc đương đại trên thế giới.

Tham dự Festival có khoảng trên 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công… đến từ 30 quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước Anh, Canada, Đức, Nga, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, New Zealand… Trong khuôn khổ Festival sẽ diễn ra 11 buổi hòa nhạc chính với hơn 100 tiết mục và nhiều sự kiện bên lề.

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam sẽ tham gia biểu diễn trong Festival như NSND Nguyễn Thiếu Hoa (chỉ huy), NSND Nguyễn Thế Dân (đàn nhị), NSƯT Bùi Công Duy (Violon), ca sĩ Đào Tố Loan (Soprano)…

Festival Âm nhạc mới Á - Âu lần thứ nhất được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 10/2014, với sự tham gia của hơn 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ 32 quốc gia. Sự kiện này được đánh giá là thành công rực rỡ, khẳng định vị thế vững chắc của nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam.

do-hong-quan-1.JPG
 Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trong buổi họp báo giới thiệu Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2016

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết trong buổi họp báo vào ngày 5/10: Điểm mới của Festival lần thứ 2 là đưa được nhạc cụ dân tộc Việt Nam vào nhiều tác phẩm, đặc biệt là đàn bầu. Trong đó, đáng chú ý có 2 tác phẩm của nhạc sĩ nước ngoài viết riêng cho đàn bầu Việt Nam với tên gọi Cụ rùa Du hành trên trăng lưỡi liềm.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Festival cũng sẽ có một cuộc hội thảo với chủ đề Cây đàn bầu Việt Nam. Theo nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đây là hoạt động rất cần thiết, vì Việt Nam được gọi là “đất nước của đàn bầu” nhưng hoạt động quảng bá đàn bầu của chúng ta lại quá ít.

Đặc biệt, ngoài Lễ khai mạc, toàn bộ các buổi hòa nhạc trong Festival Âm nhạc mới Á - Âu đều được mở cửa miễn phí cho công chúng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn