Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Tình trạng nông dân bỏ ruộng, bỏ quê rất đáng quan ngại

14:55 | 12/12/2018;
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, tình trạng nông dân bỏ ruộng, không muốn làm nông nghiệp và rời bỏ nông thôn do thiếu đất canh tác hiện nay đang là vấn đề rất đáng quan ngại, gây nên những hệ lụy và bất ổn cho xã hội.
Nhiều nông dân thiếu đất, phải bỏ ruộng, bỏ quê
 
Phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII (nhiệm kỳ 2018 – 2023) sáng 12/12 tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những thành tích của phong trào nông dân và của Hội Nông dân Việt Nam đã làm được. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng đây chính là nhân tố đã góp phần quan trọng vào thành công chung của đất nước.
nguyenphutrong.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, vấn đề đáng quan ngại nhất hiện nay chính là việc nông dân bỏ ruộng, bỏ quê, thiếu đất canh tác diễn ra khá phổ biến. Điều này gây nên những hệ lụy và bất ổn cho xã hội.
Trải qua 88 năm hình thành và phát triển, được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, Hội Nông dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng nước ta. Hội Nông dân Việt Nam luôn là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp nông dân; là cơ sở chính trị của xã hội, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân; có nhiều tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về đường lối, chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng giai cấp nông dân và xây dựng nông thôn; tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
 
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ, hiện nay nông dân, nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế lớn chậm được khắc phục. Đó là “nội dung phương thức hoạt động Hội vẫn chậm đổi mới; công tác tham gia giám sát và phản biện chính sách xã hội ở các cấp Hội còn những hạn chế; vẫn còn một bộ phận cán bộ của Hội thiếu sâu sát, không nắm được tâm tư nguyện vọng của nông dân; công tác tuyên truyền vận động nông dân vẫn còn yếu; phong trào nông dân phát triển chưa đồng đều, chưa khơi dậy hết được tiềm năng sức sáng tạo của tầng lớp nông dân trong xây dựng nông thôn mới xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, vấn đề đáng quan ngại nhất hiện nay chính là việc nông dân bỏ ruộng, bỏ quê, thiếu đất canh tác diễn ra khá phổ biến, điều này gây nên những hệ lụy và bất ổn cho xã hội. “Tình trạng nông dân bỏ ruộng, không muốn làm nông nghiệp, nông dân rời bỏ nông thôn, nông dân thiếu đất canh tác trong sản xuất kinh doanh vẫn là những vấn đề rất đáng quan ngại. Ở đây có cả trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, của chính quyền và đặc biệt là có cả trách nhiệm của các tổ chức Hội nông dân cấp cơ sở”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
 
Ngoài ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ, việc xây dựng các mô hình tập thể trong sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn còn rất lúng túng, công nghiệp hóa hiện đại hóa gắn với nông dân và nông thôn vẫn còn chậm. Năng suất chất lượng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa được khắc phục, đời sống một bộ phận nông dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa vùng đồng bào dân tộc vẫn còn khó khăn... Đây là thực trạng mà chúng ta cần phải sớm tìm ra phương hướng, giải pháp để khắc phục.
 
“Hiện nay tình hình thế giới và khu vực đang có những diễn biến phức tạp khó lường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có hàng loạt điểm tiến bộ đột phá công nghệ đã tác động sâu rộng đến sản xuất và đời sống việc làm của người lao động nói chung và nhất là nông dân nói riêng. Kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới đồng nghĩa với việc quá trình chuyển giao khoa học công nghệ của thế giới vào Việt Nam và sẽ cạnh tranh quyết liệt ngay trên sân nhà của chúng ta. Chúng ta đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức, điều này đã tác động lớn đến nền nông nghiệp và đời sống nông dân nước ta”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhận định.
 
Do đó, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình mới, phát triển bền vững, hiện đại nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết nông dân thực sự trở thành lực lượng cách mạng, lực lượng kinh tế, chính trị, xã hội to lớn và mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước.
 
“Mỗi cán bộ, hội viên, nông dân cần hiểu rõ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân, trong đó, hội viên, nông dân đóng vai trò chủ thể, vừa là lực lượng thực hiện vừa là người được thụ hưởng thành quả, để từ đó huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của giai cấp nông dân và các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, làm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta có bước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa; phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu.
 
Phải không ngừng đổi mới
 
Phát biểu tại Đại hội Hội Nông dân Việt Nam, ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH TƯ Hội Nông dân Việt Nam, khẳng định, để xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của Hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại, trong nhiệm kỳ (2018-2023), Hội Nông dân Việt Nam quyết tâm phấn đấu đạt được 14 chỉ tiêu và đề ra 5 giải pháp đột phá đã đề ra.
 
Từ hoạt động thực tiễn, bài học kinh nghiệm rút ra là phải không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tinh thần sáng tạo của các cấp Hội, cán bộ, hội viên, nông dân. Chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội các cấp có đủ năng lực, phẩm chất, nhiệt tình, trách nhiệm, hiểu nông dân và vì nông dân...
 
Bên cạnh đó, cần đổi mới nội dung, phương thức vận động nông dân phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Các hoạt động của Hội đều hướng về cơ sở, kịp thời nắm bắt, giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của hội viên nông dân. Đồng thời, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Hội phải có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở và sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, động viên khen, thưởng kịp thời.
 
Về mục tiêu tổng quát, quyết tâm xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh và tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân. Đổi mới, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề hỗ trợ nông dân và Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với hỗ trợ nông dân khởi nghiệp.
 
Song song với đó, Hội cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Việt Nam có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực công tác tốt, phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, phấn đấu hình thành thế hệ người nông dân mới có năng lực quản lý, kỹ năng sản xuất chuyên nghiệp và từng bước trí thức hóa nông dân.
 
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, trong nhiệm kỳ này, Hội Nông dân Việt Nam sẽ hướng đến các mục tiêu cụ thể như: Có 100% cán bộ, hội viên được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Hội Nông dân Việt Nam; 100% chi Hội có Báo Nông thôn ngày nay và ít nhất 60% hội viên được truy cập Internet; kết nạp ít nhất 1.200.000 hội viên mới trở lên; cơ sở Hội khá và vững mạnh đạt trên 85%, không có cơ sở Hội yếu kém; có 100% cán bộ chuyên trách công tác Hội được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức canh tác nông nghiệp và kỹ năng công tác nông vận; ít nhất từ 30% cán bộ chuyên trách Hội Nông dân cấp huyện trở lên biết sử dụng 01 ngoại ngữ trong giao tiếp và 100% Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã ở các xã, phường, thị trấn biên giới biết sử dụng ngôn ngữ nước láng giềng...
 
Như PNVN đã đưa tin, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII chính thức khai mạc với chủ đề “Dân chủ-Đoàn kết-Đổi mới-Hội nhập-Phát triển”, diễn ra trong 3 ngày từ 11-13/12/2018 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội gồm 999 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 10 triệu hội viên nông dân trên cả nước.
 
Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VI, nhiệm kỳ 2013-2018; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018-2023; thông qua Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam (sửa đổi); bầu Ban Chấp hành Hội NDVN khóa VII, nhiệm kỳ 2018-2023.
 
Trước đó, ngày 11/12, Đại hội đã tiến hành ngày làm việc thứ nhất với việc bầu đoàn Chủ tịch; đoàn Thư ký; Ban thẩm tra tư cách đại biểu; thông qua chương trình, quy chế làm việc, quy chế bầu cử của Đại hội; trình bày tờ trình việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ Hội NDVN; thảo luận các nội dung, văn kiện của Đại hội tại các trung tâm thảo luận...
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn