Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự phiên Khai mạc trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam

10:15 | 02/12/2023;
Sáng 2/12, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam chính thức khai mạc phiên trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội).

Tham dự Đại hội có các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường…

Cùng dự Đại hội có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Ủy viên Trung ương Đảng; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương, địa phương và các khách mời quốc tế.

Tại phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài tham gia Đoàn chủ tịch Đại hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự phiên Khai mạc trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam- Ảnh 1.

Các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Ủy viên Trung ương Đảng; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương, địa phương và các khách mời quốc tế tham dự Đại hội. ảnh: Nguyễn Hải

Phát biểu khai mạc Đại hội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, 5 năm qua, Đảng, Nhà nước tiếp tục dành nhiều sự quan tâm, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, đặc biệt là Nghị quyết số 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới", tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và hoạt động công đoàn. 

Cùng với những chuyển biến lớn về kinh tế- xã hội của đất nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiếp tục phát triển về số lượng, chất lượng được nâng lên, tích cực thi đua lao động sản xuất, công tác, vượt mọi khó khăn thách thức, nhất là trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, đã phát huy phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân Việt Nam, có nhiều đóng góp trực tiếp, to lớn vào sự phát triển của đất nước.

Trong bối cảnh đó, Công đoàn Việt Nam đã tổ chức thành công Chương trình "Một triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19" với gần 830 ngàn CNVCLĐ tham gia, đóng góp hơn 2 triệu sáng kiến, làm lợi hơn 33 ngàn tỷ đồng. "Và trong những ngày này, hàng triệu đoàn viên cả nước đang hướng về Đại hội, nghiên cứu các báo cáo trình Đại hội, gửi trọn niềm tin, đặt nhiều kỳ vọng và đón chờ những quyết định của Đại hội để phát triển mạnh mẽ Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới" - ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự phiên Khai mạc trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài tham gia Đoàn chủ tịch Đại hội. Ảnh: Thu Hà

Theo đó, Đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam là đại hội lần đầu tiên tiến hành trong 1 năm, cũng là đại hội đầu tiên cụ thể hóa Chiến lược phát triển Công đoàn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới". Tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm với đất nước, với đoàn viên, người lao động được thống nhất trong đại hội công đoàn cấp tỉnh, thành phố, công đoàn ngành và trong các nội dung trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhằm tạo ra thế và lực mới của Công đoàn Việt Nam.

Tại Đại hội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã trình bày Báo cáo tóm tắt của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam gồm 11 mục, được trình bày theo phương pháp tiếp cận vấn đề, đã thể hiện toàn diện, đầy đủ, cụ thể các nội dung của hoạt động công đoàn. 

Theo đó, các cấp Công đoàn, nhất là Tổng Liên đoàn đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động. Việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đoàn viên, người lao động có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức. Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả. Các phong trào thi đua yêu nước do Công đoàn phát động ngày càng thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự phiên Khai mạc trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam- Ảnh 3.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày Báo cáo tóm tắt của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII tại Đại hội. Ảnh: Nguyễn Hải

Báo cáo cũng nêu rõ công tác nữ công tiếp tục được quan tâm, có chuyển biến quan trọng trên các lĩnh vực về lao động nữ, bình đẳng giới, dân số, gia đình, trẻ em. Việc đề xuất, kiến nghị và kiểm tra việc thực hiện chính sách lao động nữ; cải thiện điều kiện chăm sóc, nuôi dạy và học tập của con công nhân, viên chức, lao động; việc thành lập, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của ban nữ công quần chúng được đẩy mạnh. Phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" được quan tâm, phát triển nhân rộng.

Cùng với đó, hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của Công đoàn được mở rộng, linh hoạt, thích ứng theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại, chính sách của Đảng, Nhà nước. Công tác quản lý tài chính, tài sản có nhiều đổi mới, tạo nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo và tổ chức hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

"Những kết quả toàn diện của hoạt động công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động cả nước nhiệm kỳ qua đã đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước, góp phần tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của tổ chức Công đoàn Việt Nam" - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự phiên Khai mạc trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam- Ảnh 4.

Gần 1.100 đại biểu tham dự đại hội. Ảnh: Nguyễn Hải

Với tinh thần đó, dự thảo Báo cáo xác định Mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2023 - 2028 là: Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; Tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; Hoàn thiện mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập công đoàn; Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt; Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Cùng với đó, dự thảo Báo cáo xác định 10 nhóm chỉ tiêu phấn đấu gồm 7 chỉ tiêu hàng năm, 3 chỉ tiêu nhiệm kỳ; 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu tập trung thực hiện gồm:

1. Tập trung thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, người lao động.

2. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước.

3. Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự phiên Khai mạc trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam- Ảnh 5.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra từ ngày 1-3/12/2023. Ảnh: Thu Hà

4. Tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

5. Tập trung thành lập Ban nữ công công đoàn cơ sở, nhất là ban nữ công quần chúng tại doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước: nâng cao chất lượng công tác nữ công; thúc đẩy bình đẳng giới; bảo vệ quyền lợi của lao động nữ và trẻ em; xây dựng gia đình công nhân, viên chức, lao động no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh. Đổi mới phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" gắn với phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới". 

6. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, mở rộng hợp tác quốc tế

7. Xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.

8. Đổi mới phương thức hoạt động công đoàn theo hướng khoa học, sát cơ sở, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới.

Tại Đại hội, các đại biểu tiếp tục thảo luận, đóng góp, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tiến hành Bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn