Lý do ban hành văn bản hỏa tốc, Tổng cục Hải quan cho biết trong quá trình kiểm tra, có những lô hàng khẩu trang khi quan sát thực tế có đủ dấu hiệu là khẩu trang y tế, song doanh nghiệp lại khai báo gian lận là loại khẩu trang khác
Theo Tổng cục Hải quan, theo quy định tại công văn 1431/TCHQ-GSQL về tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19, doanh nghiệp được phép xuất khẩu khẩu trang y tế chỉ gồm 2 đối tượng là: Doanh nghiệp được Bộ Y tế cấp phép xuất khẩu với mục đích viện trợ nhân đạo, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện và Doanh nghiệp chế xuất có giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp và doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công cho nước ngoài nếu hợp đồng gia công ký trước ngày 01/3/2020 được thực hiện việc xuất khẩu khẩu trang y tế.
Nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp gian lận trong xuất khẩu khẩu trang y tế, Tổng cục Hải quan giao Cục Quản lý rủi ro, cục hải quan các tỉnh, thành phố đánh giá rủi ro lựa chọn các lô hàng nghi vấn để kiểm tra thực tế hàng hóa, đặc biệt các lô hàng do nhà xuất khẩu không phải là nhà sản xuất...
Cụ thể:
Trong quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa, công chức hải quan quan sát trực tiếp hàng hóa nếu có đủ các dấu hiệu theo tiêu chuẩn khẩu trang y tế TCVN8389-2010 thì thực hiện thông quan.
Trường hợp quan sát thấy có đủ dấu hiệu theo tiêu chuẩn nhưng khai báo là khẩu trang khác (không phải khẩu trang y tế) thì lấy mẫu giám định tại Viện Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế hoặc các tổ chức giám định đáp ứng đủ điều kiện giám định khẩu trang y tế theo quy định để xác định chủng loại hàng hóa xuất khẩu.
Tình trạng dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, khẩu trang y tế và các vật tư trang bị bảo hộ phục vụ công tác phòng chống dịch được nhà nước quản lý chặt chẽ, các cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát nhằm ngăn chặn tình trạng xuất lậu khẩu trang y tế ra nước ngoài.
Liên tục những ngày gần đây, hàng loạt các vụ xuất lậu khẩu trang số lượng lớn đã bị phát hiện và bắt giữ, như:
Ngày 9/3, Chi cục Hải Quan cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (Cục Hải quan tỉnh An Giang) phối hợp với Đoàn kiểm tra Đội quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang) phát hiện và bắt giữ 30.000 chiếc khẩu trang y tế cùng 2.300 chai dung dịch rửa tay khô sát khuẩn, chuẩn bị xuất lậu sang Campuchia.
Trước đó ngày 3/3 tại TP.HCM, Đội 4 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - Tham nhũng - Buôn lậu, Công an TP.HCM phối hợp với đội 4 Quản lý thị trường thành phố bắt quả tang một đối tượng đang vận chuyển 40 thùng khẩu trang y tế về đây để đưa đi tiêu thụ. Ngoài ra, trong kho còn có nhiều thùng khẩu trang y tế đang được xếp lên chiếc xe khách 50 chỗ mang biển số Campuchia. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, tạm giữ tổng cộng 400 thùng, tương đương 1 triệu chiếc khẩu trang y tế với 9 loại mẫu mã khác nhau, tất cả đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ. Qua khai thác, các đối tượng khai nhận thu mua khẩu trang y tế trong nước về tập kết tại kho hàng trên, sau đó dùng xe khách để vận chuyển ra nước ngoài kiếm lời.
Gần đây nhất, ngày 22/3 tại Đồng Tháp, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) phát hiện và bắt giữ vụ xuất lậu 50.000 chiếc khẩu trang y tế qua biên giới Campuchia.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn