Sáng ngày 26/12, Tổng cục Phòng chống thiên tai phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch trọng tâm năm 2021. Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, năm 2020 thiên tai trong nước và trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, khốc liệt, gây thiện hại lớn về người và tài sản.
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, thiên tai rất dị thường, khốc liệt. Cả nước đã xảy ra 576 trận thiên tai, trong đó có 14 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới trên biển đông; 264 trận giông, lốc, mưa đá bất thường; 132 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất, 90 trận động đất.
Đặc biệt trong gần 2 tháng, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới. Trong đó, cơn bão số 9 đạt cấp siêu bão, là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua, với gió cấp 14, giật trên cấp 17, gây thiệt hại nặng nề về người và của.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 912 người chết và bị thương, ước thiệt hại về kinh tế gần 40.000 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thiên tai khốc liệt kép dài đến hết năm nay và đầu năm sau như rét đậm, rét hại; một cơn áp thấp nhiệt đới có nguy cơ hình thành trên biển đông trong những ngày tới. Thiên tai ngày một khốc liệt nên nếu không có những dự báo, phòng ngừa chính xác, hiệu quả thì hậu quả sẽ khôn lường. Vì thế, Tổng cục Phòng chống thiên tai cần chú trọng sử dụng các thông tin dự báo, bao gồm cả dự báo ngắn, vừa và dài để chủ động ứng phó với thiên tai.
Ông Trần Quang Hoài cho biết, thiên tai ngày một dị đoan, khốc liệt, đe dọa đến sự an toàn và phát triển bền vững của đất nước. Vì thế, đòi hỏi công tác phòng chống thiên tai phải ngày càng chủ động, quyết liệt và hiệu quả hơn. Năm 2021, Tổng cục sẽ theo dõi các thông tin dự báo; phối hợp rà soát, đánh giá tình hình thiên tai; nâng cao năng lực dự báo; đồng thời nghiêm cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới để đề xuất các giải pháp chiến lược phòng chống thiên tai. Ứng dụng khoa học công nghệ trong theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích, đánh giá tác động, xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ sạt lở, ngập lụt; hỗ trợ xây dựng các kịch bản, phương án chỉ đạo điều hành ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cũng như xây dựng các công trình phòng chống thiên tai.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác di dân vùng có nguy cơ mất an toàn cao đến nơi an toàn; tiếp tục chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vùng thiên tai có nơi ở an toàn, chống chịu tốt với các loại hình thiên tai để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, thiên tai năm nay rất dị thường, khốc liệt. Có lẽ chưa năm nào như năm nay-giao thừa mưa rào, sáng mồng 1 mưa đá ở nhiều nơi, 6 tháng đầu năm hạn 3 miền Bắc-Trung-Nam; bão chồng bão, lũ chồng lũ. Tuy nhiên công tác dự báo và ứng phó trong phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả của thiên tai tốt nên giảm thiệt hại đến mức thấp nhất về người và của. Năm 2017 cả nước có 368 người chết do thiên tai, thiệt hại hơn 62 nghìn tỷ đồng, trong khi thiên tai không khốc liệt như năm 2020. Năm 2020, hơn 350 người thiệt mạng và mất tích do thiên tai là quá lớn nhưng năm nay diễn biến thời tiết rất thất thường, khốc liệt. Do chúng ta dự báo, ứng phó tốt, nếu không, số người bị ảnh hưởng có thể cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, chúng ta không được chủ quan trước thiên tai. Bởi biến đổi khí hậu sẽ khôn lường trong thời gian tới, xu hướng ngày càng cực đoan, dị thường, không biết trước. Thiệt hại vừa qua ảnh hưởng lâu dài cả về đến sản xuất, hệ sinh thái... Do đó, cần đánh giá lại những tồn tại trong công tác dự báo, ứng phó, cứu trợ và phòng chống thiên tai. Ví dụ thời gian dự báo cần xa hơn, ứng phó, khắc phục hiệu quả hơn ảnh hưởng của thiên tai để hạn chế thiệt hại về người và của...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn