Bắt đầu từ đam mê
Hạnh Hiếu là con gái cả, chị của 3 em. 12, 13 tuổi đã cắp làn đi chợ. Thừa hưởng ở mẹ tố chất nhanh nhẹn, quyết đoán, yêu luôn hình mẫu “buôn giỏi dã man” của mẹ, Hiếu trở thành cánh tay phải đắc lực cho mẹ. 15, 16 tuổi, cô đã một mình khắp nơi gom hàng về cho mẹ.
Có lần qua đò Lạc Quần (Nam Định) lấy gạo đúng mưa bão. Nước ngập mênh mông 7 ngày, mẹ không biết con gái ở đâu vì không có điện thoại, chỉ còn biết khóc chờ con. 19 tuổi, tháng 6 đi thi Đại học Ngoại ngữ thì tháng 5, cô đã mở được cửa hàng đầu tiên của mình để thực hiện ước mơ xây dựng chuỗi cửa hàng đưa gạo ngon tới tay người tiêu dùng. Thỉnh thoảng đọc lại những dòng nhật ký về năm tháng đầu tiên lập nghiệp ấy, Hiếu cũng thầm tự phục sự kiên cường vượt khó của mình.
Biết bao bế tắc, áp lực vì không có vốn, khởi nghiệp thì bao nhiêu khoản bắt buộc phải chi, lại ở một nơi mới lạ. Cô vẫn thầm cám ơn trời thương, tuổi 20 khoẻ lắm, thồ vài bao gạo ngon lành. Hồi sinh con trai cả, chuẩn bị sinh đến nơi rồi vẫn vác 30 cân gạo lên tầng 5, vẫn giao nốt gạo cho khách hàng.
Cô tự nhận mình may mắn hơn mẹ vì có cơ hội, quyết tâm học hành, lại làm công việc đúng là đam mê của mình nên đã từng bước xây dựng được giải pháp kinh tế, mô hình kinh doanh với giá trị cốt lõi và tầm nhìn phát triển dài hạn.
Cô tâm sự “Có chết đi sống lại vẫn yêu gạo, muốn tôn vinh cho nó, có cơ hội lúc nào làm lúc đấy”. Ngay trong bữa ăn hàng ngày cũng luôn tìm cách nâng tầm hạt gạo. Cô vẫn còn nhớ lúc 5-6 tuổi được ông nội dạy tỉ mỉ cách đập gạo bằng chày để gói bánh chưng tấm.
Bây giờ nhiều người không biết, nghĩ bánh chưng tấm, cơm tấm là dùng gạo đớn, gạo xấu, gạo phế phẩm. Hoàn toàn không phải vậy Đó là thưởng thức, là tìm cách để tấm bánh chưng hay bát cơm ngon hơn, dẻo hơn, rền hơn.
Ưu tiên học, cập nhật kiến thức nền tảng
Cô tự nhận trước đây mình nóng tính vô cùng, dễ làm người khác tổn thương. Dần dần, cô nhận ra, ngồi trên một con thuyền mỗi người một nhiệm vụ, một người không thể làm hết được mọi việc, mọi người cùng chung tay xây dựng nên giá trị.
Quan trọng là truyền nhiệt huyết cho đồng sự, dẫn đường cho nhân viên để họ nhận ra mình làm được cái gì, làm thế nào thì tốt nhất cho công việc của mình, tương tác, bọc lót cho nhau như thế nào thì hiệu quả, tiềm năng phát triển công việc tương lai thế nào…
Khi họ đã thấm công việc, vị trí, cách làm, họ sẽ thấm mục đích, ý nghĩa của công việc để tự hào, không bao giờ muốn làm ảnh hưởng đến công việc, luôn mong muốn xây dựng, giữ gìn thương hiệu.
Đào tạo nhân sự là chiến lược hàng đầu khi phát triển công ty của cô. Luôn giao nhiệm vụ cụ thể và tin tưởng nhân viên để họ nỗ lực, không phụ lòng tin của mình. Công ty vận hành như rết nhiều chân, chỉ cần ai quên cái gì thì là cái chân rết không hoàn thành, ảnh hưởng đến nhiều người khác. Lúc đó họ hiểu giá trị công việc là công sức của nhiều người, họ không lười được, không vô trách nhiệm được, thậm chí không ốm được.
Năm 2017, cô đã mời 9 nhà khoa học đầu ngành tham gia Hội đồng khoa học của Công ty để cập nhật thông tin mới, phổ biến kỹ thuật, nghiên cứu giải quyết các vấn đề thực tế vùng nguyên liệu. Còn trong công ty luôn có đội ngũ cập nhật thông tin sản xuất, giống lúa, vùng nguyên liệu, sâu bón, mùa vụ… để mọi người có được kiến thức sâu và rộng quanh sản phẩm của mình.
Tổng Giám đốc hồn nhiên
Chuyến khảo sát vùng nguyên liệu 2 tỉnh Ninh Bình và Hải Phòng một ngày nắng tháng 5 bắt đầu từ 5h sáng. Ngay khi bước lên ô tô, cô đã tổ chức họp nhanh để cụ thể hoá công việc trong ngày, từ trao đổi với xã, thăm đồng, tìm hiểu kho bãi đến đi đường nào, ăn gì, ở đâu. Sau đó, tranh thủ vào email, fanpage, forum, thông tin các cửa hàng… để nắm tình hình, thỉnh thoảng “nhắc việc” cho từng nhân viên. Ngạc nhiên hơn, khi bước xuống xe vào làm việc với các xã, cô chủ động xách laptop theo ghi chép. Cô giữ nếp ghi chép cẩn thận, ngày xưa ghi sổ sách, giờ có công nghệ hỗ trợ, lưu trữ hệ thống, cần tra cứu lúc nào, so sánh các thời điểm đều có thể lấy ra được ngay.
Khi ra khảo sát thực địa, TGĐ cúi xuống xắn quần lội ruộng ngay, cùng với các chuyên gia phân tích đòng đòng, hạt thóc trên bông để dự đoán chất lượng, sản lượng gạo. Nhưng cô cũng không quên selfie vài bức ảnh giữa đồng xanh lộng gió. Nhìn cô vui vẻ “diễn” cho nhân viên bấm máy, tôi hiểu, tại sao có những nhân viên trẻ măng vừa vào làm việc đã dám phát biểu ý kiến của mình, nói chuyện với Sếp Tổng của mình như với một người chị, một người bạn lớn.
Cô đã kiến tạo không khí chia sẻ, thấu hiểu giữa các thành viên trong gia đình. Khi vợ chồng hiểu về công việc của nhau thì sẽ dễ dàng thông cảm, giúp đỡ, động viên, khích lệ nhau hơn. Vì vậy, các dịp lễ tết, ngày thành lập công ty, kỳ nghỉ hè, cô luôn cố gắng tổ chức các cuộc gặp mặt gia đình nhân viên để các gia đình ấy cũng có sự đồng cảm, thấu hiểu.
Kinh nghiệm làm việc hiệu quả của cô gói gọn trong 2 chữ chịu khó và kỷ luật. Với các con, cô cũng quan niệm “Không có kỷ luật quân đội không thành công được, phải tuân thủ kỷ luật nghiêm khắc, tự chịu trách nhiệm với mọi việc mình làm. Kỷ luật đó thông qua xây dựng giá trị cho con, phân tích từng hành vi để chặn những suy nghĩ, hành động không đúng hướng”.
Công việc và gia đình không có gì quan trọng hơn mà chỗ nào tắc phải khai thông. Cô làm việc không có thứ bảy, chủ nhật nhưng cả nhà cô không thiếu thời gian bên nhau. Ngay trên ô tô lúc 7h30 tối, cô gọi về cho bác giúp việc bàn thực đơn và giữ món mình về trổ tài. Và cười tươi “Đó là cách tự relax, cứ mua cái gì ngon ăn cho béo phì ra”.