Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng ngày 15/2, Tổng thống Trump cho biết, ông đã quyết định dùng quyền hành pháp để ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico sau khi đặt bút ký thành luật dự luật cấp ngân sách liên bang và an ninh biên giới.
Ông nhấn mạnh, quyết định xây dựng bức tường biên giới không phải để hoàn thành lời hứa lúc tranh cử mà là để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh tại biên giới.
Với việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, ông Trump có thể tiếp cận khoản ngân sách khoảng 8 tỷ USD từ các bộ ngành để đủ kinh phí 5,7 tỷ USD phục vụ việc xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico mà không cần đến sự phê chuẩn của Quốc hội.
Không chỉ đảng Dân chủ, truyền thông và chuyên gia, mà ngay cả một số thành viên đảng Cộng hòa đã chỉ trích mạnh mẽ việc làm này của Tổng thống Mỹ. Với việc ký tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, Tổng thống Donald Trump sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến pháp lý khốc liệt tại các tòa án với giới lập pháp bởi người đứng đầu Chính phủ Mỹ đã vượt quá các quyền hạn của ông.
Trong một tuyên bố chung, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer, hai lãnh đạo hàng đầu của đảng Dân chủ tại lưỡng viện Mỹ, nói rằng họ sẽ sử dụng “tất cả giải pháp có sẵn” để đảo ngược tuyên bố tình trạng khẩn cấp của ông Trump. Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo đảng Dân chủ nhấn mạnh, hành động bất hợp pháp của Tổng thống Trump về một cuộc khủng hoảng không tồn tại là đi ngược lại Hiến pháp và khiến nước Mỹ trở nên kém an toàn hơn. Tổng thống không phải là người đứng trên luật pháp và Quốc hội không thể để Tổng thống xé bỏ Hiến pháp. Hai nhà lãnh đạo đảng Dân chủ đồng thời kêu gọi các nghị sĩ Cộng hòa chung tay với họ để ngăn chặn hành động phi pháp của ông Trump.
Các Hạ nghị sĩ Dân chủ có kế hoạch giới thiệu một dự luật nhằm ngăn chặn động thái của Tổng thống Mỹ. Dự luật đó có thể được cả hai viện Quốc hội thông qua nếu giành được số phiếu của 6 Thượng nghị sĩ Cộng hòa từng chỉ trích bản tuyên bố của ông Donald Trump. Trong trường hợp đó, ông Trump sẽ rơi vào tình thế phải lần đầu tiên sử dụng quyền phủ quyết trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, một hành động có thể gây chia rẽ hơn nữa nội bộ đảng Cộng hòa trong giai đoạn từ nay đến khi diễn ra các cuộc bầu cử năm 2020.
Các nghị sĩ Dân chủ và một số nhóm ủng hộ tự do cũng cho biết, họ có kế hoạch nộp đơn kiện để ngăn chặn động thái của ông Trump tại Tòa án Liên bang.
Quyền ban bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống
Theo Hiến pháp Mỹ, các quyết định về việc sử dụng nguồn quỹ từ người đóng thuế và hoạch định chính sách sẽ do Quốc hội đưa ra. Tuy nhiên, một bộ luật năm 1976 cho phép Tổng thống “vượt mặt” Quốc hội và quyết định sử dụng nguồn quỹ trong trường hợp có tình trạng khẩn cấp quốc gia. Đạo luật khẩn cấp quốc gia không định nghĩa cụ thể “tình trạng khẩn cấp” là như thế nào. Theo các chuyên gia pháp lý, điều này cho phép Tổng thống có thể dễ dàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Đạo luật cũng trao quyền cho Quốc hội kiểm định lại việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhưng đòi hỏi phải có sự đồng thuận của cả 2 viện. Điều này sẽ khó khăn trong bối cảnh hiện nay do Thượng viện do đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump chiếm đa số còn Hạ viện do đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát.
Mỹ đã có khoảng 30 sắc lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia có hiệu lực, trong đó có 1 sắc lệnh liên quan đến cuộc khủng hoảng con tin Iran năm 1979 và 1 sắc lệnh về dịch cúm lợn năm 2009.
|