Tổng thống Obama hối thúc ông Trump quan tâm đến phụ nữ

06:00 | 16/11/2016;
Lời nhắn gửi của ông Obama đến Tổng thống đắc cử Donald Trump được đưa ra trong bối cảnh hội chứng căng thẳng hậu bầu cử đang diễn biến một cách đáng lo ngại ở một số nhóm người dễ bị tổn thương, trong đó có phụ nữ.
obama-trump-finger-cross-photoshop.jpg
 Tổng thống Obama (phải) và Tổng thống mới đắc cử Donald Trump trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 10/11

Tại cuộc họp báo tối 14/11, trước khi lên đường thực hiện chuyến công du nước ngoài cuối cùng của mình trên cương vị Tổng thống, ông Obama kêu gọi Tổng thống đắc cử Donald Trump cần tiếp cận những người đang cảm thấy căng thẳng sau những tranh luận bùng nổ trong suốt cuộc bầu cử vừa qua, trong đó có phụ nữ và nhóm thiểu số.

Trong nhiều vấn đề được Tổng thống Obama nhắn gửi tới người kế nhiệm, việc quan tâm đến tâm lý xã hội không phải là không có cơ sở khi làn sóng biểu tình phản đối Tổng thống đắc cử Donald Trump diễn ra tại nhiều nơi và những báo cáo về tình trạng quấy rối tình dục khiến nhiều phụ nữ nước này lo ngại.

lead_960.jpg
 Nhiều báo cáo cho thấy phụ nữ có xu hướng dễ bị căng thẳng bởi cuộc bầu cử hơn so với nam giới

Thực tế, hội chứng 'căng thẳng bầu cử' là một khái niệm không còn xa lạ. Các nhà tâm lý học ghi nhận tình trạng lo lắng và sợ hãi luôn có dấu hiệu leo thang trong và sau các cuộc bầu cử cạnh tranh sít sao. Cuộc thăm dò cuối tháng 10 của ABC News cho thấy, phụ nữ dễ bị căng thẳng bởi cuộc bầu cử hơn so với nam giới, với tỷ lệ lần lượt là 53% phụ nữ được hỏi và 39% nam giới được hỏi. Phải làm gì để vượt qua hội chứng tâm lý này là chủ đề được nhiều tờ báo lớn của Mỹ tư vấn chỉ dẫn trong những ngày qua.

Trao đổi với tờ Atlantic, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu về những tổn thương Quốc tế (ITSP) Jack Saul đề cập đến khái niệm “chấn thương tập thể”, một phản ứng xuất hiện trước những sự kiện bất ngờ. Người ta có thể lập luận rằng những người phản đối ông Donald Trump đắc cử đã trải qua một chấn thương tập thể, khiến họ cảm thấy bối rối và sợ hãi. Phụ nữ và người da màu có lý do để lo lắng bởi sự phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính tại Mỹ “có thể trầm trọng hơn” dưới thời ông Trump. Tất nhiên nỗi sợ hãi và lo lắng không phải là phổ biến ở tất cả mọi người nhưng “chúng tôi đang nhìn thấy một vết nứt trong xã hội của chúng tôi”, ông Saul nói. 

subway_therapy_1_0.jpg
 Bức tường tại nhà ga tàu điện ngầm Manhattan, thành phố New York, được dán đầy những mẩu giấy chứa đựng những suy nghĩ của mọi người về cuộc bầu cử. "Liệu pháp tàu điện ngầm" là một giải pháp giúp những người cảm thấy căng thẳng, lo lắng được chia sẻ điều mình nghĩ

Số cuộc gọi đến đường dây nóng ngăn ngừa tự tử tăng đột biến 

Thông tin từ các đường dây nóng ngăn ngừa tình trạng tự tử tại Mỹ càng khiến mối lo ngại về hội chứng căng thẳng hậu bầu cử gia tăng. Theo ông John Draper, thuộc Đường dây nóng quốc gia phòng chống tự sát, trong khoảng 1-2 giờ sáng ngày 9/11, khi kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng đã ngã ngũ, John và những cộng sự của mình chứng kiến sự gia tăng các cuộc gọi đến đường dây nóng gấp 2-3 lần so với ngày thường. "Họ gọi đến và nói rằng, tâm trạng tiêu cực của họ xuất phát từ cuộc bầu cử nhưng đến cuối cuộc gọi, họ thừa nhận nguyên nhân là về cuộc sống của họ", Draper cho biết.

Số lượng cuộc gọi đến Đường dây nóng quốc gia phòng chống tự sát sau thời điểm đó chững lại nhưng với các dịch vụ khác thì không như vậy. Liz Eddy, người phát ngôn của Crisis Text Line, một dịch vụ kết nối người gặp khủng hoảng với các tư vấn viên qua tin nhắn, cho biết trong khoảng từ 0 đến 1 giờ ngày 9/11, dịch vụ này nhận được số tin nhắn cần được tư vấn tăng gấp 8 lần so với cùng thời điểm ngày thường. Trung bình một ngày dịch vụ này nhận được khoảng 1.000 tin nhắn cần được tư vấn. Con số này không ngừng tăng lên 2.000 (sáng 9/11) rồi 4.000 tin (sáng 10/11).

Không có bằng chứng cho thấy có mối liên hệ giữa số cuộc gọi tới các đường dây nóng ngăn ngừa tự tử với cuộc bầu cử nhưng tâm lý bất an trong một bộ phận người dân Mỹ là có thực. Nó được Giám đốc Jack Saul ví như “phần nổi của tảng băng trôi” của sự lo lắng và căng thẳng kéo dài từ trước đó. Và cuộc bầu cử lần này đã châm ngòi để "chấn thương tập thể" thể hiện rõ hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn