Khoảng 5 năm trở lại đây, ngành nghề liên quan đến ẩm thực nở rộ và phát triển bởi có nhiều chuỗi nhà hàng, khách sạn được mở ra. Ngành du lịch càng phát triển thì công việc liên quan đến ẩm thực cũng phát triển theo. Ngành ẩm thực là ngành đào tạo chuyên sâu các kiến thức liên quan đến chế biến món ăn, bao gồm: Sơ chế và xử lý nguyên liệu; định lượng khẩu phần; chế biến và sáng tạo món ăn; trang trí tạo hình cùng nhiều việc liên quan khác.
Sinh viên tốt nghiệp ngành ẩm thực cần có những kiến thức liên quan đến nghề như: Khoa học dinh dưỡng, hiểu biết về các loại gia vị và thành phần món ăn, năng lực cảm mùi vị tốt, có khả năng sáng tạo cao, khiếu thẩm mỹ vượt trội, tổ chức bếp nấy khoa học và hợp lý…
Ngành ẩm thực trước đây thường được chú trọng đào tạo tại các trường nghề, trường Trung cấp hay trung tâm. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhu cầu ngành học này tăng cao. Bằng chứng là có nhiều trường Đại học, Cao đẳng chính quy, dân lập trên cả nước mở lớp đào tạo và tổ chức tuyển sinh với nhiều chuyên ngành. Một số trường nổi tiếng đào tạo ngành ẩm thực như: ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, CĐ Công thương Việt Nam, CĐ Du lịch Việt Nam, CĐ Du lịch Nha Trang…
Nếu bạn có "tâm hồn ăn uống" có thể cân nhắc những công việc sau.
Đối với những chuyên gia ẩm thực thì việc nghiên cứu đồ ăn, thức uống gắn chặt với chế độ dinh dưỡng và sự cân bằng trong các khẩu phần ăn đối với sức khỏe. Đây sẽ là một lựa chọn phù hợp đối với nhiều người có am hiểu sâu về thức ăn cũng như những thành phần của nó. Chuyên gia dinh dưỡng là người sẽ tìm ra những chế độ ăn uống phù hợp, thành phần giàu dinh dưỡng cũng như cải thiện tình trạng sức khỏe liên quan đến vấn đề dinh dưỡng.
Trở thành chuyên gia dinh dưỡng, bạn có thể ứng tuyển vào các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, bệnh viện, trường học, cơ quan y tế, viện nghiên cứu dinh dưỡng và thực phẩm, viện nghiên cứu chăm sóc sức khỏe, trung tâm tư vấn - truyền thông – giáo dục sức khỏe cộng đồng hay các cơ sở khác hoạt động liên quan đến dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp chế biến thực phẩm.
Công việc này tương đối đơn giản và khá thú vị! Bạn chỉ cần chia sẻ hình ảnh, cảm nhận của bản thân về những món ăn từng nếm thử. Công việc của bạn sẽ là đến những quán ăn đang được nhiều người quan tâm để trải nghiệm và đưa ra ý kiến dựa trên những tiêu chí khác nhau. Khi chấm điểm món ăn, food review cần công tâm, đưa ra những đánh giá về: Địa điểm, không gian, cách trang trí món ăn, chất lượng món ăn, thái độ phục vụ…
Công việc này gắn liền với các trang mạng xã hội như: Facebook, Twitter, Tiktok… Nếu bạn làm tốt, trang cá nhân của bạn sẽ có hàng chục nghìn, thậm chí cả triệu lượt người theo dõi. Bạn sẽ kiếm được tiền từ việc viết bài đăng tin hoặc nhận quảng cáo cho các nhà hàng, quán ăn, nhãn hàng.
Food stylist được hiểu là những người tạo mẫu cho đồ ăn, đưa việc chế biến món ăn trở thành một một nghệ thuật thực sự. Tạo mẫu thực phẩm giúp các món ăn có khả năng được bán, được thưởng thức nhiều hơn. Các nhà tạo mẫu thực phẩm làm rất nhiều thứ giúp các món ăn trông đẹp mắt hơn như: Sắp xếp, phun sương, đốt, đánh bóng, ghim…
Những người làm nghề food stylist có thể làm việc tự do, tự mình sáng tạo để thỏa mãn đam mê hoặc đăng tải trên các trang mạng xã hội. Bên cạnh đó, họ có thể làm việc cho công ty chuyên về quảng cáo món ăn, báo và tạp chí về ẩm thực hay các nhà hàng, quán ăn cao về hình thức.
Công việc của nhà phê bình ẩm thực, blogger cũng tương tự như những người review ẩm thực. Tuy nhiên, họ thiên về viết lách và phân tích nhiều hơn. Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, muốn trải nghiệm một thứ gì đó, người ta thường có xu hướng tìm kiếm thông tin trên mạng. Vì vậy, ngành nghề phê bình ẩm thực, blogger đóng vai trò như chiếc cầu nối chia sẻ những thông tin thiết thực để người đọc có cái nhìn đúng đắn nhất.
Đối với những nhà phê bình ẩm thực, blogger, họ có trình độ, chuyên môn cũng như những hiểu biết sâu sắc về ẩm thực. Họ luôn nắm vững từ nguyên liệu thực phẩm cho đến cách chế biến nhằm cung cấp cho người đọc, người nghe nhiều thông tin thú vị.
Có nhiều người làm công việc này chọn các blog hay website cá nhân để đăng tải nội dung. Bên cạnh đó, một số người lại chọn việc in sách, cộng tác cho các cơ quan báo chí hay tham gia chương trình truyền hình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn