TPHCM: 1 phụ nữ mang thai ở tuần thứ 32 tử vong do nhiễm cúm A/H1N1

21:36 | 18/07/2018;
Ngày 18/7, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, cho biết đã có thêm 1 bệnh nhân tử vong do cúm A/H1N1 sau khi được chuyển đến bệnh viện này điều trị.

Bệnh nhân N.T.V. (35 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) đang mang thai ở tuần thứ 32 thì nhiễm cúm A/H1N1 và được bệnh viện địa phương chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ngày 17/6 trong tình trạng sốt, ho, khó thở, suy hô hấp, phải đặt nội khí quản.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, kết quả chụp X-quang phổi cho thấy phổi bệnh nhân bị tổn thương thâm nhiễm toàn bộ hai bên. Kết quả xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) xác định bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1.

Trước tình trạng nguy cấp, đe dọa sức khỏe và tính mạng của sản phụ và thai nhi, ngày 19/6, các bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phối hợp với các bác sỹ Bệnh viện Từ Dũ thực hiện mổ bắt thai nhi. Em bé sau đó được chuyển sang Bệnh viện Từ Dũ điều trị.

Còn sản phụ sau mổ lấy thai diễn tiến viêm cơ tim cấp, sốt cao, bạch cầu tăng, phổi tổn thương tăng. Do tổn thương phổi ngày gia tăng, tim rời rạc, mạch huyết áp không đo được, nhiễm khuẩn huyết... nên đến 8 giờ ngày 16/7, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê, đồng tử giảm 4mm, mất phản xạ ánh sáng, tím tái toàn thân...

Sau khi nhận được giải thích cặn kẽ từ bệnh viện, người nhà của bệnh nhân đã xin về để lo hậu sự. Kết quả chẩn đoán sau cùng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới: Bệnh nhân viêm phổi do cúm A/H1N1 bội nhiễm, xuất huyết phổi, nhiễm khuẩn huyết sau khi mổ lấy thai 29 ngày. Rất may, sau khi được chăm sóc tại Bệnh viện Từ Dũ, em bé con của sản phụ N.T.V. không bị nhiễm cúm từ mẹ và đã được cho xuất viện.

cum-1.jpg
Bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 nguy kịch đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

 

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, đã có 4 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 nhập viện điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM tử vong; trong đó 2 trường hợp tử vong tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, 2 trường hợp tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Cùng ngày, bác sỹ Bùi Thị Ngọc Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, xác nhận có 1 bệnh nhân trên địa bàn huyện vừa tử vong do bị nhiễm cúm A (H1N1). Đó là ông Huỳnh Hữu Hòa, sinh năm 1970, ngụ tại số 48, đường Phan Đăng Lưu, khu phố 1, thị trấn Hòa Thành, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.

Bác sỹ Phạm Chí Khanh, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm Y tế huyện Hòa Thành), cho biết trước đó 1 tuần, bệnh nhân Hòa có các triệu chứng mệt, khó thở, sốt cao... nên được người nhà đưa đến nhập viện tại Bệnh viện tư nhân Cao Văn Chí (huyện Hòa Thành) để thăm khám và điều trị.

Sau 1 ngày không thuyên giảm, gia đình đã xin xuất viện và đưa bệnh nhân xuống bệnh viện Đại học Y dược TPHCM để tiếp tục điều trị; sau khi được chuẩn đoán lâm sàng, bệnh nhân được chuyển qua Bệnh viện Nhiệt đới (TPHCM) để điều trị theo đúng chuyên môn và đã được chuẩn đoán nhiễm cúm A/H1N1.

Tuy nhiên, sau 1 tuần điều trị, do bệnh nhân Hòa có tiền sử mắc căn bệnh tán huyết, thiếu men G6PD và bệnh tiểu đường (nguyên nhân làm suy giảm hệ miễn dịch, giảm sức đề kháng) đã không chống chọi lại được bệnh tật, tử vong vào sáng 17/7 tại Bệnh viện Nhiệt đới. Đến 22 giờ cùng ngày, người nhà đã hoàn tất các thủ tục cần thiết và đưa thi thể bệnh nhân Hòa về mai táng.

Bác sỹ Bùi Thị Ngọc Phượng cho biết nhằm phòng tránh lây lan nguồn bệnh dịch cúm A/H1N1 phát tán, Trung tâm Y tế huyện Hòa Thành đã tiến hành khoanh vùng dịch, phun thuốc khử trùng, sàng lọc những người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân, phát thuốc sát khuẩn Cloramin B cho người nhà bệnh nhân, những người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân trong thời gian nhiễm bệnh để sát khuẩn bề mặt như sàn nhà, vật dụng sinh hoạt, bàn, ghế; hướng dẫn quy trình tẩn liệm cho người nhà bệnh nhân tử vong (theo hình thức hỏa táng) trong vòng 24 giờ theo quy định về xử lý bệnh dịch.

Trung tâm Y tế huyện Hòa Thành khuyến cáo đến những người từng tiếp xúc với bệnh nhân khi có các triệu chứng như ho, khó thở, hắc hơi, sổ mũi, sốt cao... phải báo ngay cho ngành chuyên môn để kịp thời được chẩn đoán, điều trị phù hợp. Đồng thời, hạn chế đến gần người bệnh khi nghi ngờ bệnh; tuân thủ các nguyên tắc phòng bệnh như mang găng tay, khẩu trang, quần áo phòng dịch... khi tiếp xúc với bệnh nhân và phải cách ly người bệnh trong vòng 7 ngày để được theo dõi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn