Trao đổi với PNVN, bà Dương Hồng Phương – Chánh văn phòng Tổng công ty cho biết: Đáp ứng nhu cầu của công nghệ 4.0 cũng như tiến tới xu thế thương mại điện tử, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn và các Công ty cấp nước thành viên đã hợp tác với các nhà đối tác để đa dạng các hình thức thu tiền nước như: thanh toán qua chuyển khoản tại các ngân hàng, ATM Internet banking, tin nhắn SMS, điện thoại di động..., Khách hàng cũng có thể thanh toán tiền nước bằng các loại ví điện tử: Payoo, MoMo, Call Center 247. Ngoài ra, còn có hình thức thanh toán bằng dịch vụ nhờ thu tự động VnPay hay các điểm chấp nhận thẻ POS tài khoản ký quỹ tại các đơn vị cấp nước…
Hiện nay, khoảng 35% tiền nước của Tổng công ty và các Công ty cấp nước thành viên được thanh toán không sử dụng tiền mặt thông qua các đối tác nêu trên.
- Khác với cách thu truyền thống (nhân viên của công ty xuống từng hộ gia đình để thu tiền nước) đây là 1 trong những cách làm mới mẻ, hiện đại, phù hợp xu thế của thời công nghệ số. Tuy nhiên, chắc chắn, giai đoạn đầu triển khai, sẽ không tránh khỏi những khó khăn khi Sawaco triển khai dịch vụ này?
Bà Dương Hồng Phương: Phải khẳng định, việc đa dạng các hình thức thanh toán tiền nước sẽ tạo thuận lợi cho người sử dụng nước trong việc chủ động lựa chọn hình thức thanh toán phù hợp, giúp tiết kiệm thời gian, công sức. Chính vì vậy, đây là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.
Về phía đơn vị cấp nước, việc thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt giúp giảm bớt nhân công thực hiện thu tiền nước tại nhà khách hàng, tăng tính an toàn, tiết kiệm được các chi phí phát sinh như: chi phí vận chuyển, chi phí kiểm đếm, chi phí bảo quản tiền mặt...
Tuy nhiên, vì mới triển khai, chủ yếu trên tinh thần khuyến khích người dân nên chúng tôi cũng chủ yếu là tuyên truyền, vận động người dân là chính chứ không bắt buộc. Hiện nay, người dân có sử dụng các phương thức thanh toán này hay không là do mong muốn chủ quan của người dân chứ chưa có chế tài, quy định nào bắt buộc nào.
- Sawaco có giải pháp gì để khuyến khích mọi người dân tiến tới việc không sử dụng tiền mặt thanh toán tiền nước?
Bà Dương Hồng Phương: Để khuyến khích mọi người dân tiến tới việc không sử dụng tiền mặt thanh toán tiền nước, Tổng Công ty và các đơn vị thành viên đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đa dạng hóa các kênh thức thanh toán, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân trong việc lựa chọn hình thức thanh toán tiền nước phù hợp.
- Tuy là trung tâm kinh tế, thương mại của cả nước nhưng hiện tại, TPHCM cũng còn 1 số khu vực vùng xa, điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế. Vậy chúng ta phải làm gì để dân ở những khu vực này có thể hoàn thành mục tiêu “Không dùng tiền mặt trong thanh toán tiền nước” của Chính phủ?
Bà Dương Hồng Phương: Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP, ngày 01/01/2019 của Chính phủ, Tổng Công ty và các đơn vị thành viên sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và nghiên cứu triển khai thêm các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác. Chúng ta cần xác định, làm gì cũng phải có lộ trình và thời gian, không thể ngay một sớm một chiều mà chuyển đổi ngay được hình thức thanh toán điện tử.
Bên cạnh việc tuyên truyền để người dân hiểu tiện ích của việc thanh toán dịch vụ (trong đó có phí nước sinh hoạt) bằng hình thức online, chúng ta phải xây dựng được hệ thống kỹ thuật đáp ứng tốt nhất cho người dân. Đặc biệt, không phải bất kỳ người dân đô thị nào cũng sử dụng tốt công nghệ cũng như có sự hiểu biết về thanh toán điện tử, vì vậy, bên cạnh truyền thống, chúng ta còn phải tập huấn để người dân biết và thực hiện.
Ngoài ra, tổng Công ty cũng rất mong muốn các cơ quan báo chí chủ động hỗ trợ truyền thông, quán triệt, phổ biến sâu rộng Nghị quyết 02 của Chính phủ đến người dân thành phố.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02 với những nội dung nhằm tạo sự chuyển biến về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động. Một trong những nội dung của Nghị quyết này là việc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Thành phố cần chỉ đạo yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, ưu tiên các giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Nội dung này yêu cầu hoàn thành trước tháng 12/2019.
|