TPHCM: 5 tháng phát hiện 92 cơ sở trà sữa vi phạm

21:50 | 22/05/2018;
Hiện nay, trên địa bàn TPHCM xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh trà sữa nhỏ lẻ, tự phát, các xe đẩy lề đường thường không đăng ký kinh doanh. Chính điều này gây cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, nhất là trong công tác kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phạt hơn 800 triệu đồng
Thông tin từ Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, việc kinh doanh trà sữa cũng được quản lý giống như các loại hình kinh doanh, sản xuất thực phẩm khác.
 
Từ đầu năm đến nay, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã tiến hành kiểm tra 675 cơ sở kinh doanh trà sữa, phát hiện 92 cơ sở vi phạm, xử phạt với tổng số tiền hơn 832 triệu đồng.
 
Những hành vi vi phạm chủ yếu về điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện bảo quản, trang thiết bị dụng cụ, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm không đảm bảo.
 
Ông Trương Trung Thu, Trưởng phòng Thanh tra Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết, cơ sở kinh doanh trà sữa phải có đăng ký kinh doanh, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nguyên liệu pha chế trà sữa phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
 
Tuy nhiên, đối với các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, hộ kinh doanh tự phát, các xe đẩy lề đường thường không đăng lý kinh doanh, thường gọi là trà sữa nhà làm. Theo ông Thu, loại hình này hiện nay rất nhiều, hầu hết đều kinh doanh tự phát, thời vụ, không cố định thời gian, địa điểm nên gây khó khăn cho công tác quản lý, khi xử phạt thì họ nghỉ bán.
tra-sua.jpg
92 cơ sở kinh doanh trà sữa tại TP.HCM bị phát hiện vi phạm từ đầu năm 2018 đến nay
Theo tìm hiểu, những điểm bán trà sữa theo dạng tự phát, xe đẩy lề đường hiện mọc lên nhan nhản ở TP.HCM. Những điểm bán trà sữa này thường giới thiệu là trà sữa Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan… với giá bán dao động từ 12.000 - 20.000 đồng/ly. 
 
Thay vì khách gọi ly nào pha ly ấy như các quán có uy tín, thương hiệu, trà sữa ở những điểm bán này thường  được pha sẵn, để vào một bình lớn hoặc can nhựa. Khách chọn xong chỉ việc đổ ra ly, thêm trân châu, thêm đá, cũng không cần lắc, trộn và giao cho khách. Chủ các điểm bán này đều “quảng cáo” nguyên liệu làm trà sữa đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nhưng thực tế thì khách hàng rất khó để kiểm chứng.
 
Uống trà sữa hằng ngày không tốt cho sức khỏe
Hồi đầu năm, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã có khuyến cáo về những nguy cơ tiềm ẩn của trà sữa. Theo đó, tại TP.HCM, mọi người dễ dàng mua nguyên liệu làm trà sữa tại Chợ Bình Tây (Q.6) hoặc các chợ truyền thống khác. Đến nay, chưa có bằng chứng khoa học nào thẩm định tác hại của trà sữa, tuy nhiên trong trà sữa cũng tiềm ẩn một số mối nguy hiểm.
 
Trong trà sữa có chất ngọt (đường, sữa), nếu uống hằng ngày sẽ không tốt cho sức khỏe, khiến tăng cân, béo phì, thừa canxi dẫn đến sỏi thận... Trà sữa có chất caffeine nên một số người có cơ địa mẫn cảm với chất này nếu sử dụng sẽ gây mất ngủ, chóng mặt, nôn nói.
 
Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, thành phần trà sữa hiện nay vẫn còn nhiều nơi bày bán không rõ nguồn gốc, nhất là bột sữa. Các chất hương liệu, chất phụ gia nếu có trong danh mục các chất được sử dụng chưa được đảm bảo về hàm lượng trong ngưỡng cho phép cũng như khuyến cáo về liều lượng sử dụng. Các hạt trân châu khó hấp thu, chưa được tiêu hóa.
 
Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo, người tiêu dùng khi sử dụng trà sữa nên chọn lọc và ưu tiên các cửa hàng có uy tín. Trong thời gian tới, Ban sẽ tiến hành tăng cường kiểm tra theo từng chuyên đề cho từng loại hình kinh doanh cụ thể. Đặc biệt, Ban sẽ chú trọng đến các loại đồ uống pha chế sẵn không cồn, trong đó có trà sữa. Các cơ sở có hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm đều sẽ bị xử lý nghiêm.

Mới đây, sau khi ăn bánh mì chà bông và uống trà sữa, gần 30 học sinh tại trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) có các dấu hiệu bất thường nghi do ngộ độc thực phẩm như nhức đầu, buồn nôn. Toàn bộ học sinh sau đó được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu và được xuất viện vào ngày hôm sau.

Kết quả kiểm tra sau đó cho thấy, toàn bộ học sinh bị ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật Streptococci faecal: 2,1x107 CFU/ml có trong trà sữa ở bữa ăn giữa sáng của học sinh tại nhà trường. Số trà sữa mà học sinh trường Tiểu học Phạm Văn Hai sử dụng được xác định do cơ sở sản xuất Liên Hoa, số 9 Lương Đức Bằng, P.Tân Thới Hòa (Q.Tân Phú, TPHCM) cung cấp. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn