Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị của công dân trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn thành phố”.
Lấy phiếu tín nhiệm 30 lãnh đạo
Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 30 người giữ chức vụ do Hội đồng Nhân dân thành phố bầu. Cụ thể, các chức danh Hội đồng Nhân dân thành phố bỏ phiếu tín nhiệm gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Trưởng ban của Hội đồng Nhân dân thành phố; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên khác của Ủy ban Nhân dân thành phố. Có ba người nhận nhiệm vụ chưa đủ 9 tháng nên không lấy phiếu tín nhiệm.
101 đại biểu đã bỏ phiếu phiếu kín với ba mức độ “Tín nhiệm cao,” “Tín nhiệm” và “Tín nhiệm thấp”.
Kết quả, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trương Thị Ánh là người có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất, 81,9%; số phiếu tín nhiệm là 12,38%; tín nhiệm thấp 1,9%.
Người có số phiếu tín nhiệm cao đứng thứ 2 là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm với 77,14% phiếu tín nhiệm cao; số phiếu tín nhiệm chiếm 17,14%; tín nhiệm thấp là 1,9%.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong có số phiếu tín nhiệm cao đứng thứ 3 với 70,48% phiếu tín nhiệm cao; số phiếu tín nhiệm là 22,86%; tín nhiệm thấp chiếm 2,86%.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thị Thu và ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch thành phố là người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất (cùng 18 phiếu, 17,14%). Trong đó, bà Nguyễn Thị Thu có số phiếu tín nhiệm cao chiếm 42,86%; số phiếm tín nhiệm chiếm 36,19%. Còn ông Bùi Tá Hoàng Vũ có số phiếu tín nhiệm cao chiếm 36,19%; tín nhiệm là 42,86%.
Phát biểu sau khi công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ kết quả lấy phiếu tín nhiệm là sự ghi nhận của đại biểu đối với những người được lấy phiếu.
Trong quá trình công tác, mỗi đồng chí có những nhiệm vụ khác nhau và có sự cố gắng, nỗ lực hết sức mình để hoàn thành công việc. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi thiếu sót, hạn chế và năng lực có mức độ khác nhau nhưng nhìn chung tất cả đều nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, trong quá trình công tác, mỗi đồng chí đều nhận được sự hỗ trợ lớn của các cơ quan, đơn vị, sự ủng hộ, tín nhiệm, góp ý của cử tri, nhân dân thành phố.
“Qua kết quả bỏ phiếu tín nhiệm cho thấy, đồng chí có số phiếu tín nhiệm thấp cao nhất cũng chưa vượt quá 20%. Trong điều kiện thành phố có nhiều khó khăn, thách thức, các đồng chí đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, ý thức được trách nhiệm của mình trước Đảng, nhân dân, Hội đồng Nhân dân. Đánh giá của đại biểu Hội đồng Nhân dân là sự động viên lớn để chúng tôi tiếp tục phát huy mặt mạnh. Đồng thời, những phiếu đánh giá tín nhiệm thấp là sự nhắc nhở, cảnh tỉnh có trách nhiệm để chúng tôi nhìn lại mình một cách cầu thị, nghiêm túc những hạn chế, khuyết điểm để tiếp tục hoàn thiện mình, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thành phố, sự mong mỏi của cử tri thành phố,” bà Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ.
Kiên quyết xử lý cán bộ vi phạm
Báo cáo về việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị của người dân về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến tháng 6/2018, thành phố đã cấp được 1.525.213 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 95,8% trên tổng số nhà, đất của thành phố. Hiện trên địa bàn thành phố còn khoảng 17.303 trường hợp tồn đọng chưa được cấp giấy chứng nhận, chủ yếu do không đủ điều kiện cấp theo quy định pháp luật.
Các đại biểu cho rằng đối với những hồ sơ còn tồn đọng, chưa giải quyết, ngành chức năng cần thông báo rõ cho người dân về tình trạng hồ sơ của họ, tránh trường hợp khiếu nại, kiến nghị.
Trước những vướng mắc về quy định pháp luật, Ủy ban Nhân dân thành phố kiến nghị Trung ương sửa đổi Luật Đất đai và các ngành luật liên quan đảm bảo sự thống nhất, minh bạch, sát với thực tiễn để dễ áp dụng.
Đề cập đến việc phân loại đơn khiếu nại, kiến nghị của người dân về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết phần lớn (gần 70%) đơn tập trung kiến nghị, phản ánh, khiếu nại cấp giấy chứng nhận lần đầu, cấp lại chậm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trước đây sáp nhập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp thành phố. Số lượng hồ sơ dồn về cấp thành phố tăng nhanh, lượng công việc của Ban Giám đốc Sở quá tải, dẫn đến chậm trễ so với quy định.
Ngành Tài nguyên và Môi trường thành phố tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố và từ 10/2017 đến nay đã phân cấp lại cho Văn phòng đăng ký đất đai thành phố thực hiện các hồ sơ, do vậy thời gian tới sẽ nhanh hơn. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đang tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố để tiếp tục phân cấp về cho 24 chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện, như vậy các thủ tục sẽ được giải quyết nhanh hơn, góp phần kéo giảm đơn phản ánh.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, cũng có một số đơn khiếu nại, kiến nghị của người dân liên quan đến công tác cán bộ (khoảng 100 đơn) khiếu nại về năng lực hoặc thái độ phục vụ, nhũng nhiễu của cán bộ.
Trên cơ sở giám sát, giai đoạn 2016-2018, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã xử lý 18 trường hợp; trong đó đã thay năm Giám đốc, bảy Phó Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện và bốn chuyên viên. “Thành phố kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm để giảm phiền hà cho người dân,” Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Nguyễn Toàn Thắng khẳng định./.