Ngày 15/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết, trong tuần 45 (từ 4-10/11), thành phố ghi nhận 167 ca sởi, tăng 29% so với trung bình 4 tuần trước. Tính từ đầu năm đến tuần 45, thành phố ghi nhận 1.635 ca sởi. Các quận huyện có số ca mắc cao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và thành phố Thủ Đức.
Theo Sở Y tế thành phố, số ca bệnh từ các tỉnh khác đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng tăng 44% so với trung bình 4 tuần trước; với 366 ca, trong đó có 229 ca điều trị nội trú. Từ đầu năm đến nay, số ca sởi tích lũy từ các tỉnh khác là 2.565 ca.
Chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi đã góp phần kiểm soát số ca mắc bệnh trong độ tuổi này. Tuy nhiên, hệ thống giám sát ghi nhận số ca bệnh mới vẫn tiếp tục gia tăng ở nhóm trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi. Từ đầu dịch đến nay, số bệnh nhân từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi là 274 trẻ, chiếm tỷ lệ 17% tổng số ca mắc toàn thành phố.
Bên cạnh đó, cũng ghi nhận sự gia tăng số ca bệnh ở độ tuổi lớn hơn. Cụ thể, thời điểm tháng 8/2024, trung bình mỗi tuần có 8-9 ca từ 11 tuổi trở lên (chiếm tỷ lệ 12% tổng số ca mỗi tuần); thì đến nay trung bình mỗi tuần có đến 40 ca ở độ tuổi này (chiếm tỷ lệ 30% tổng số ca mỗi tuần).
Trước diễn biến gia tăng số ca sởi mới, Sở Y tế đã chỉ đạo HCDC tiến hành khảo sát trên 51 trẻ từ 1 đến 10 tuổi mắc bệnh sởi trong tuần 44 và ghi nhận có đến 32 trẻ (chiếm tỷ lệ 64%) hoàn toàn chưa được tiêm vaccine sởi trước khi mắc bệnh. Có nhiều lý do khiến trẻ không được tiêm chủng như cha mẹ đi làm xa sống với ông bà, thường xuyên thay đổi chỗ ở, trẻ thường bị bệnh… nhưng đáng lưu ý là có đến 14 trẻ (chiếm 27% tổng số trẻ bệnh được khảo sát) không được cha mẹ, người thân cho tiêm chủng dù đã được mời nhiều lần và trẻ cũng hoàn toàn không có chống chỉ định.
Đối với bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết, thông tin từ HCDC cho thấy, trong tuần 45, thành phố ghi nhận 364 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 26,2% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 45 là 15.103 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Cần Giờ, Bình Chánh và Nhà Bè.
Trong khi đó, trong tuần 45, thành phố ghi nhận 582 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 4,9% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 45 là 11.265 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, thành phố Thủ Đức và quận 7.
Bác sĩ CK1 Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, giai đoạn khởi phát của bệnh sởi, trẻ thường có các biểu hiện của triệu chứng viêm long đường hô hấp như đỏ mắt, ho, hắt hơi, sổ mũi; một số trẻ kèm theo vết loét, nổi ban trong miệng. Khi mắc sởi, trẻ sốt cao và khó hạ trong vòng 5-7 ngày đầu, sau ngày 4-5 của phát ban thì tình trạng sốt sẽ giảm. Khi mắc sởi thì trẻ cũng dễ gặp phải các biến chứng như viêm loét giác mạc, viêm tai giữa, viêm phổi.
Theo bác sĩ Ngọc Lưu, khi trẻ mắc sởi, tốt nhất là nên chăm sóc trẻ trong môi trường đủ thông thoáng, đủ ánh sáng để quan sát kịp thời các dấu hiệu bất thường như chảy mủ tai, nhòe mắt nhiều, trẻ thở nhanh, thở mệt. Một số trẻ mắc sởi thì còn kèm theo các vấn đề về đường tiêu hóa, trẻ có thể bị tiêu chảy nhiều dẫn đến mất nước. Do vậy phụ huynh nên chia nhỏ cữ ăn, cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu; không nên kiêng ăn tuyệt đối vì có thể khiến cho trẻ bị thiếu chất, suy dinh dưỡng. Trẻ bị sởi thì không cần kiêng gió kiêng nước; nên cho trẻ tắm, lau người nhẹ nhàng cho trẻ.
Theo chuyên gia, vào thời điểm đủ 9 tháng tuổi thì trẻ cần được tiêm vaccine sởi, và mũi thứ hai được tiêm lúc trẻ 18 tháng tuổi hoặc chậm nhất là trước 24 tháng tuổi. Việc tiêm đúng và đủ hai mũi vaccine sởi theo đúng thời điểm được khuyến cáo sẽ có hiệu quả bảo vệ đến hơn 90%.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn