TPHCM chấn chỉnh hoạt động dịch vụ thẩm mỹ

14:24 | 01/11/2019;
Trong tháng 10/2019, trên địa bàn TPHCM đã có nhiều vụ việc đáng tiếc, thậm chí có người tử vong sau khi sử dụng các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.

Trước tình hình trên địa bàn xảy ra các vụ biến chứng, tử vong do thực hiện thẩm mỹ, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường quản lý, kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ thẩm mỹ, đào tạo, quảng cáo không phép liên quan đến các hoạt động dịch vụ thẩm mỹ, spa...

 

Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam tại địa chỉ 84A, đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TPHCM. (Nguồn: Đinh Hằng/TTXVN)

 

Sở Y tế thành phố cần tăng cường kiểm tra các bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, thực hiện hậu kiểm sau công bố đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên toàn thành phố; chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở không phép, cơ sở hoạt động quá phạm vi chuyên môn được phép, cơ sở vi phạm về quảng cáo khám, chữa bệnh, kể cả đề nghị các cơ quan có thẩm quyển xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Đồng thời, Sở lập đoàn kiểm tra, đánh giá về an toàn phẫu thuật đối với toàn bộ các bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trên toàn thành phố.

Đối với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo ngành nghề liên quan dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ, dịch vụ xoa bóp; đình chỉ hoạt động của các cơ sở đào tạo vi phạm.

Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tiến hành rà soát, xử lý các trang thông tin điện tử quảng cáo vi phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ.

Ủy ban Nhân dân các quận, huyện phải tăng cường quản lý, hậu kiểm sau cấp phép đối với cơ sở đăng ký kinh doanh các loại hình dịch vụ thẩm mỹ (thêu, phun, xăm trên da), cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu (hair salon)…

Mặt khác, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện cần kiên quyết không để xảy ra tình trạng cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không phép nhưng quảng cáo và thực hiện các dịch vụ, thủ thuật, phẫu thuật thẩm mỹ xâm lấn gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân trên địa bàn, đồng thời rút giấy phép, chấm dứt hoạt động các cơ sở quảng cáo, đào tạo, hoạt động dịch vụ thẩm mỹ không phép.

Đồng thời, lực lượng chức năng cần công khai kết quả xử lý các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường công tác truyền thông, thông tin cho người dân trên địa bàn về tác hại sức khỏe khi sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở không phép, cơ sở không đảm bảo đủ điều kiện.

Trong tháng 10/2019, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều vụ việc đáng tiếc, thậm chí có người tử vong sau khi sử dụng các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.

Trước đó, bà C.T.L. (59 tuổi) đã tử vong sau 3 ngày làm phẫu thuật căng da mặt tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam (Quân 3); bà V.N.A.T. (33 tuổi) tử vong sau khi làm phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện Thẩm mỹ EMCAS (Quận 10) và một số trường hợp khác được các bệnh viện xử lý kịp thời, không nguy kịch đến tính mạng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn