TPHCM đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19

10:11 | 03/08/2021;
TPHCM triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người được tiêm chủng. Ngay khi kết thúc chiến dịch tiêm chủng 930.000 liều vaccine đợt 5, thành phố sẽ tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng tiếp theo để đảm bảo ít nhất 2/3 người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine mũi 1 vào cuối tháng 8/2021.

Tiêm vaccine lưu động

Bắt đầu từ ngày 1/8, 2 đội xe tiêm lưu động của Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức) đã bắt đầu xuất phát đến các điểm tiêm là những khu cách ly, bệnh viện dã chiến trên địa bàn để tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân, lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức cho biết, bên cạnh một số điểm tiêm chủng cố định hiện nay đang được triển khai tại TP.Thủ Đức thì thành phố đang ưu tiên cho các đối tượng theo chỉ đạo của UBND TPHCM như người trên 65 tuổi, nhóm cán bộ phòng chống dịch tuyến đầu, nhóm có bệnh lý nền…

Theo đó, TP. Thủ Đức triển khai đội xe tiêm vaccine lưu động sẽ đi đến từng khu phố để thực hiện việc tiêm chủng cho người dân. Trên mỗi xe ô tô lưu động có 5 nhân viên y tế (2 bác sĩ, 3 điều dưỡng) cùng bình oxy, các loại thuốc để xử lý khi có sự cố.

"Trong thời gian đầu, chúng tôi tập trung việc tiêm chủng này cho các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Sau khi đánh giá các khu vực phong tỏa, thì triển khai tiêm chủng để những khu vực này sẽ trở thành vùng xanh và kêu gọi người dân tham gia tự quản để duy trì vùng xanh trong thời gian tới", ông Tùng cho biết thêm.

TPHCM đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 - Ảnh 1.

Xe lưu động tiêm vaccine phòng Covid-19 được TP Thủ Đức triển khai

Tại các quận huyện trên địa bàn TPHCM, chiến dịch tiêm chủng 930.000 liều vaccine đợt 5 được triển khai tích cực. Hiện quận 11 đang là địa phương dẫn đầu về tốc độ tiêm chủng tại TPHCM. Theo UBND quận 11, trước khi thực hiện tiêm, quận đã xây dựng kế hoạch, số lượng người dân cần tiêm cho từng đợt. Đồng thời, quận cũng họp phân công nhiệm vụ cho chủ tịch quận, các phó chủ tịch, các trưởng phòng, ban trực tiếp phụ trách các điểm tiêm để việc tiêm phòng diễn ra nhanh chóng. Quận tiến hành nhắn tin trực tiếp để mời người dân đến tiêm, ai có tin nhắn sẽ đến tiêm để không xảy ra tình trạng ùn ứ, vi phạm giãn cách.

Bên cạnh đó, để việc tiêm phòng diễn ra nhanh chóng, quận cũng đã vận động các cán bộ y tế về hưu, phòng khám đa khoa, phòng khám tư nhân để hỗ trợ quận trong việc tiêm phòng. 

Theo UBND TPHCM, qua 16 đợt phân bổ vaccine phòng Covid-19 của Bộ Y tế, TPHCM đã tổ chức tiêm hơn 1,7 triệu liều; riêng đợt 5 đã triển khai gần 800.000 liều đến các nhóm đối tượng ưu tiên. TPHCM đề nghị Bộ Y tế quan tâm, xem xét phân bổ vaccine liên tục cho thành phố để thực hiện mục tiêu đến cuối tháng 8 có 2/3 người dân trên 18 tuổi được tiêm vaccine.

Rút ngắn quy trình tiêm chủng

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 31/7, TPHCM đã được phân bổ 3 triệu liều vaccine phòng Covid-19, ước khoảng 22,3% nhu cầu tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỉ lệ phân bổ cao nhất cả nước đến thời điểm này. Trong sáng ngày 31/7, TPHCM cũng đã nhận 1 triệu trong tổng số 5 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm do Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn (Sapharco) mua. Theo dự kiến phân bổ vaccine năm 2021, TPHCM sẽ nhận khoảng 13,8 triệu liều, đảm bảo tỉ lệ khoảng 99% người trên 18 tuổi được tiêm. Riêng trong tháng 8/2021, dự kiến TPHCM sẽ nhận được 5 triệu trong số 13,8 triệu liều này.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, công tác tiêm chủng đang được tinh giản theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cụ thể, ở phường xã sẽ phát giấy xác nhận tiêm chủng, khai báo  tiêm chủng về các tiền sử bệnh ngay tại nhà để người dân khai báo trước. Qua đó rút ngắn được thời gian tiếp nhận tại điểm tiêm chủng. Bên cạnh đó, rút ngằn thời gian theo dõi sau tiêm.

TPHCM đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 - Ảnh 2.

Tiến hành quy trình tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu

"Qua đánh giá 4 đợt tiêm chủng trước và đợt 5 đang triển khai, tai biến sau tiêm thường thường chỉ xảy ra ngay thời điểm vừa tiêm xong. Thời gian theo dõi 30 phút sau tiêm rất tốt, nhất là với những trường hợp có bệnh nền, người cao tuổi. Nhưng đối với những trường hợp khỏe mạnh, sau có bệnh lý thì chỉ cần theo dõi 15 phút sau tiêm, làm giảm được áp lực. Còn quy trình tiêm chủng vẫn được áp dụng theo quy định của Bộ Y tế", ông Nam cho hay.

Nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho người dân, đảm bảo độ bảo phủ vaccine trên địa bàn, UBND TPHCM cũng đã có văn bản về điều chỉnh kế hoạch tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Theo đó, thành phố tổ chức tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên sống trên địa bàn, ưu tiên tiêm chủng cho người trên 65 tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền mạn tính, lực lượng y tế tuyến đầu và các lực lượng tuyến đầu khác… Thành phố huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng, tổ chức 1.200 đội tiêm, đặt mục tiêu phấn đấu đạt 200 mũi tiêm/ngày/đội. TP.Thủ Đức và các quận huyện cũng có thể tổ chức tiêm ngoài giờ hành chính để đảm bảo tiến độ tiêm vaccine.

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, các quận huyện sẽ tổ chức phù hợp, quy củ để việc tiêm vaccine được thuận lợi, diễn ra trong thời gian nhanh nhất có thể. Để làm được điều này, thành phố huy động đội ngũ y tế công và tư nhân, tổ chức tiêm linh động. Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm, phát huy tối đa năng lực tiêm chủng.

"Việc tiêm vaccine do các quyện huyện giữ vai trò chủ chốt. Sở Y tế thành phố có trách nhiệm đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực, có quy định cụ thể để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Duy trì việc tiêm chủng ở các bệnh viện tuyến trên. Những đối tượng trên 65 tuổi sẽ được tiêm ở các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện quận huyện để đảm bảo an toàn tiêm chủng tối đa", ông Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho hay.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn