Ngày 9/12, tại kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 20, UBND TPHCM đã trình bày tờ trình quy định về chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn.
Theo đó, các phường, xã, thị trấn có tỉ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ hai con trong 3 năm liên tục sẽ được tặng giấy khen của UBND cấp huyện và hỗ trợ 30 triệu đồng. Nếu duy trì được kết quả này trong 5 năm liên tục, phường, xã, thị trấn sẽ nhận bằng khen của UBND thành phố cùng mức hỗ trợ 60 triệu đồng.
Đáng chú ý, phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi sẽ được hỗ trợ một lần bằng tiền mặt là 3 triệu đồng. Mức hỗ trợ này dựa trên chi phí y tế khi mang thai và sinh con.
Trong vấn đề kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, TPHCM đề xuất tặng giấy khen của Chủ tịch UBND cấp huyện kèm hỗ trợ 1 triệu đồng đối với xã đạt 100% ấp có nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trong hương ước, quy ước.
Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội hoặc sống tại xã đảo sẽ được hỗ trợ tầm soát trước sinh và sơ sinh với tổng mức hỗ trợ 2 triệu đồng, gồm 600.000 đồng cho tầm soát trước sinh, 400.000 đồng cho tầm soát sơ sinh và 1 triệu đồng hỗ trợ trực tiếp.
Hiện nay, TPHCM đang nằm trong nhóm 21 tỉnh thành có mức sinh thấp nhất cả nước. Mức sinh giảm sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số trong tương lai.
Thực tế, xu hướng sinh ít con hiện nay đang dần trở nên phổ biến tại TPHCM. Năm 2023, tổng tỷ suất sinh tại TPHCM là 1,32 con/phụ nữ, thấp hơn rất nhiều so với mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng người trẻ ngại sinh ít con, đặc biệt là việc ngại sinh con thứ hai. Đầu tiên, xu hướng sinh ít con có thể thấy là do các áp lực kinh tế, sự cạnh tranh công việc và các cặp vợ chồng mong muốn chăm sóc con cái một cách tốt nhất. Quan điểm này, theo các cặp vợ chồng là để tập trung mọi nguồn lực về tài chính, thời gian và sức khỏe để chăm sóc và đầu tư cho con cái.
Bên cạnh đó, việc học tập và phát triển sự nghiệp cũng ảnh hưởng đến quyết định sinh con của nhiều người. Ngoài ra, việc giới trẻ có xu hướng kết hôn ngày càng rất muộn, và theo tự nhiên, khả năng mang thai và sinh con của phụ nữ sẽ giảm dần theo độ tuổi, đặc biệt là sau 35 tuổi.
Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM cho biết, mức sinh giảm đặt ra những thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội trong tương lai. Thách thức lớn nhất chính là khi mức sinh giảm, trong tương lai, tỷ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động giảm, tỷ lệ người cao tuổi tăng cao, dân số bị suy giảm nghiêm trọng làm cho nguồn lao động bị thiếu hụt, ảnh hưởng đến năng suất làm việc và sự phát triển kinh tế. Mức sinh giảm, tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ tạo ra một áp lực rất lớn cho hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi, nhân lực và chi phí lớn để chăm sóc người cao tuổi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn