Nội dung liên quan đến hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 được ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, thông tin tại cuộc họp định kỳ chiều 14/12.
Kiên quyết không để xảy ra khan hiếm hàng hóa
Nhằm chuẩn bị cho hàng hóa dịp Tết Giáp Thìn 2024 đảm bảo ổn định về nguồn cung và giá cả, có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Đây là các doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao.
Doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị vốn hơn 22.000 tỷ đồng để phục vụ cho 2 tháng dịp Tết Giáp Thìn. Trong đó, hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.
Các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% đến 43%. Bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thuỷ hải sản…
Đồng thời, doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng, tổ chức bán hàng lưu động nếu có thiếu hàng cục bộ và kiên quyết không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hoá, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng đã đặt ra nhiều thách thức lớn đối với nhiệm vụ bình ổn thị trường nội địa. Sở Công Thương TPHCM đã tổ chức kiểm tra nguồn hàng gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhằm tăng nguồn lực bình ổn thị trường gạo, Sở Công Thương đã vận động, mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp tham gia, đồng hành. Qua đó có thêm Tập đoàn Lộc Trời đăng ký tham gia với cam kết: cung cấp đủ gạo trong mọi tình huống, giá cả hợp lý, gạo không chất bảo quản, chất lượng an toàn.
Sở Công Thương nhận định thị trường gạo trên địa bàn thành phố từ nay đến Tết Âm lịch 2024 duy trì ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu.
Cam kết bình ổn giá
Dự kiến vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về 3 chợ đầu mối ở TPHCM tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 - 15.000 tấn/ngày. Để chuẩn bị cho dịp Tết, Sở Công Thương phối hợp cùng các địa phương triển khai cho Ban quản lý các chợ theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ, thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá…
Hiện TPHCM có 48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Những ngày cận Tết, các đơn vị sẵn sàng tăng lượng hàng từ 2-3 lần so với ngày thường và kéo dài thời gian hoạt động.
"Chúng tôi nhận định một số mặt hàng có thể biến động như thực phẩm tươi sống, đặc biệt như: rau, củ, quả do ảnh hưởng của chủ yếu thời tiết và vụ mùa. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng tôi đã làm việc với tỉnh Lâm Đồng - nơi cung ứng chính rau, củ, quả. Qua khảo sát đánh giá thì khả năng nguồn cung có thể dư so với nhu cầu.
Trong 1 tháng trước và sau Tết, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá. Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm…", ông Nguyên Phương chia sẻ.
Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kích cầu tiêu dùng thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến mại tập trung như Chương trình Shopping Season 2023 với chủ đế với chủ đề "Rộn ràng mua sắm mùa Xuân 2023", tổ chức, hỗ trợ tổ chức các sự kiện, hội chợ, phiên chợ xuân cấp thành phố và cấp quận, huyện..
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM, cho biết: "Chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Âm lịch như bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá…
Đặc biệt, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho người dân.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đầu cơ, găm hàng".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn