TP.HCM kiến nghị nhiều vấn đề then chốt với Thủ tướng Chính phủ

13:27 | 13/05/2021;
Sáng 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội qúy I/2021 và giải quyết một số kiến nghị của thành phố. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Lê Minh Khái và Lê Văn Thành.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, TPHCM là địa phương đầu tiên mà Chính phủ đến thăm và làm việc sau khi được kiện toàn.

Theo Thủ tướng, các nội dung TPHCM đưa ra rất đầy đủ, phong phú. Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của TPHCM, Thường trực Chính phủ và các thành viên Chính phủ có liên quan đã họp nhiều cuộc, bàn bạc kỹ càng. Buổi cuộc làm việc hôm nay,  Chính phủ và TPHCM thảo luận các vấn đề cùng quan tâm để bàn bạc giải quyết.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, bên cạnh những thuận lợi, thế mạnh có được, TPHCM cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn đến sự phát triển nhanh, bền vững.

Trong đó, phải kể đến sự quá tải về hạ tầng ngày càng gia tăng. TPHCM cũng đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng nước biển dâng, sụt lút, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, biến đổi khí hậu và hệ thống giao thông kết nối vùng còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển cũng như vị thế trung tâm liên kết của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Các công trình văn hóa dù được thành phố quan tâm, nghiên cứu, xây dựng đề án thiết kế những không đủ nguồn lực để hiện thực hóa.

TP.HCM kiến nghị nhiều vấn đề then chốt với Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với TPHCM

Theo ông Phong, TPHCM là địa phương đóng góp khoảng 27% ngân sách quốc gia, nhưng tỉ lệ giữ lại của TPHCM lại thấp nhất cả nước, giảm từ 23% xuống còn 18% trong chu kỳ ngân sách 2017 - 2021. Trong khi đó, nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn cho ngân sách thành phố.

Việc thu hút đầu tư nước ngoài chưa vượt trội, số vốn bình quân mỗi dự án chưa đạt 1 triệu USD. Quy mô doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 98% với số vốn đăng ký chỉ chiếm hơn 27% tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Việc chưa có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn khiến thành phố chưa tạo ra được hệ thống cơ sở kinh tế vững chắc, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, thành phố là địa phương có năng suất lao động, thu nhập bình quân đầu người cao so với bình quân cả nước nhưng tỉ lệ sinh lại thấp, khoảng 1.3 trẻ/phụ nữ.

"Điều này ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế xã hội thành phố trong tương lai. Bên cạnh đó, yếu tố này cũng là một trong những khía cạnh để đánh giá gia đình hạnh phúc, là một mục tiêu quan trọng trong quá trình phấn đấu nâng cao chất lượng người dân cả về vật chất và tinh thần", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh trật tư, an toàn xã hội. Có nhiều loại tội phạm, trong đó tội phạm ma túy rất phức tạp, tội phạm hình sự ngày càng nguy hiểm, tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi…

TP.HCM kiến nghị 5 nhóm vấn đề

Để thành phố có thể thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, lãnh đạo TPHCM đã kiến nghị đến Thủ tướng Chỉnh phủ 5 nhóm vấn đề. 

Trong đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp TPHCM và các bộ, ngành trung ương sớm xây dựng đề án ban hành nghị định thay thế nghị định số 93/2001/NĐ-CP của Chính phủ về phân cấp một số lĩnh vực cho TPHCM trong quý II/2021 vì hiện nay một số nội dung trong nghị định số 93/2001/NĐ-CP không còn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và không tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của thành phố.

TP.HCM kiến nghị nhiều vấn đề then chốt với Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu

Về đầu tư công giai đoạn 2021-2025,TPHCM kiến nghị chấp thuận thông báo điều chỉnh lại mức vốn dự kiến đầu tư công kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ các nguồn vốn đầu tư thành phố có thể huy động được theo đúng khả năng cân đối và nhu cầu của thành phố là 261.967 tỉ đồng. Trong đó đối với vốn đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương, trung ương bố trí đủ kế hoạch trung hạn cho các dự án sử dụng vốn ODA vay lại là 43.391 tỉ đồng. Đối với vốn ngân sách thành phố, kiến nghị Chỉnh phủ điều chỉnh tăng mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 218.576 tỉ đồng.

Liên quan đến TP Thủ Đức, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành phối hợp thành phố xây dựng đề án về cơ chế chính sách phù hợp với TP.Thủ Đức trình Chính phủ trong quý II/2021.. Bên cạnh đó, cho phép thành phố tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh Dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam (theo chấp thuận trước đây của Thủ tướng Chính phủ) để bổ sung công trình xây dựng 4 cầu; nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào Dự án BT xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc (khu chức năng số 3 và số 4) và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam theo thẩm quyền quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Các công trình bổ sung nêu trên sẽ được cân đối thanh toán từ khoản kinh phí tiết kiệm được trong quá trình thi công xây dựng hạ tầng của Dự án và từ khoản tiền mà nhà đầu tư phải nộp bổ sung theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước khi xác định lại giá trị quyền sử dụng đất của các lô đất đã giao trước đây.

UBND TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chỉnh phủ cho phép nhà đầu tư tham gia xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ xuống cấp được miễn tiền tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất thu hồi trong phạm vi dự án; đồng thời cho phép thành phố lựa chọn chủ đầu tư xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ cấp B,C,D theo hình thức chỉnh trang đô thị.

Thủ tướng nêu đích danh những địa phương lơ là trong phòng chống Covid-19

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn