Ngày 12/8, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao phối hợp Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức hội thảo trực tuyến chủ đề "Chuyên gia kiều bào chung sức cùng TPHCM chống dịch".
Tại hội thảo, TS.BS Võ Toàn Trung (Kiều bào Pháp) cho biết, thành phố phải tập trung xây dựng ngay tất cả các phương án với tình hình xấu nhất, đặc biệt nguy hiểm khi tỷ lệ mắc bệnh vượt quá khả năng chăm sóc của hệ thống. Vì vậy, cần tổ chức lực lượng y tế theo phương pháp phân thành 3 nhóm. Các nhóm này sẽ lần lượt thay thế nhau để có thời gian nghỉ ngơi, tranh quá tải cho hệ thống y tế. Huấn luyện và đào tạo cấp tốc hệ thống này theo hình thức 3 đội: đội 1 làm việc thì đội 2 nghỉ ngơi, đội 3 là lực lượng dự bị sẽ được đưa vào những vùng khó khăn nhất.
TS.BS Võ Toàn Trung cũng cho rằng, cần cách ly toàn bộ khu công nghiệp để có thể đảm bảo sản xuất, các ngành khác làm việc trực tuyến 100%. Tập trung toàn bộ vaccine cho TPHCM, cần đào tạo gấp lực lượng tiêm vaccine để có thể triển khai tiêm trên diện rộng, với tốc độ nhanh nhất có thể.
Theo ông, chỉ cần giãn cách tuyệt đối và làm đúng thì hạn chế rất nhiều thiệt hại về kinh tế. Trong thời gian giãn cách, tập trung tiêm vaccine và làm xét nghiệm hết cho dân bằng test nhanh thì hoàn toàn có thể không chế được dịch ở thành phố.
Chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh nhằm giảm thiểu thương vong trong cộng đồng, ông Trần Trọng Hùng - Phó Chủ tịch Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan cho biết, cần phải xây dựng và hoàn thiện các đường dây nóng hoặc các phương tiện trò chuyện để hướng dẫn người dân xử lý tình huống tại nhà.
Bên cạnh đó, mỗi gia đình cũng cần trang bị cho mình những trang thiết bị cần thiết như các loại thuốc cơ bản, oxymeter, nhiệt kế, máy đo huyết áp. Nhờ những công cụ đơn giản này, người trực đường dây nóng có thể dễ dàng hỗ trợ người bệnh.
Chia sẻ về chiến lược cách ly, ông Trần Ngọc Phúc - Chủ tịch Metran Japan, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản - cho rằng cần phải giáo dục cơ quan liên hệ và người trong gia đình của người bị cách ly tại gia đình kiến thức căn bản về lây nhiễm chéo. Cần gấp hướng dẫn và hệ thống giám sát qua mạng cho những người có tình trạng không ổn định, kết nối với hệ thống đón nhận bệnh nhân cho kịp thời. Bên cạnh đó, thiết lập nhóm y tế di động để chẩn đoán và săn sóc bệnh nhân cách ly.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức trân trọng ghi nhận và biết ơn những tình cảm quý báu, tấm lòng, sức người, sức của đã mang lại nhiều ý nghĩa trong cuộc chiến này; đặc biệt là đồng bào cả nước, trong đó có kiều bào ta ở trong và ngoài nước đã chung sức hỗ trợ trang thiết bị y tế, chuyển các nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con gặp khó khăn, lực lượng tuyến đầu tại các nơi bị phong tỏa, cách ly, hiến kế các giải pháp để phòng chống dịch.
Theo ông Đức, thành phố rất mong các chuyên gia bác sĩ người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là TPHCM trong việc triển khai ứng dụng các kinh nghiệm phòng chống dịch Covid-19 thành công ở các nước; các kênh thông tin điều phối, hỗ trợ cung cấp, mua vaccine, trang thiết bị vật tư y tế thiết yếu trong phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho người dân và ổn định phát triển kinh tế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn