Ông Võ Thành Đông, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho biết như vậy tại lễ míttinh kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12) và tổng kết 10 năm công tác dân số TPHCM, diễn ra chiều 13/12.
Theo ông Trần Văn Trị, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, sau nhiều nỗ lực kéo giảm sự chênh lệch giới tính khi sinh, năm 2018, thành phố đạt mức 105,3 bé trai/100 bé gái.
Theo ông Trần Văn Trị, trong 10 năm qua, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TPHCM đã nỗ lực thực hiện tốt các chương trình chăm lo nâng cao chất lượng dân số như khám sức khỏe tiền hôn nhân; kiểm soát hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; công tác tuyên truyền, vận động giáo dục về dân số phong phú, phù hợp với từng thời điểm, từng địa bàn, từng nhóm đối tượng dân cư...
Riêng năm 2018, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 82,7%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 82,6%; tỷ số giới tính khi sinh ước tính 105,3 bé trai/100 bé gái.
Năm 2018, có 179.165 người cao tuổi được lập hồ sơ khám sức khỏe định kỳ, vượt 15% so với chỉ tiêu được giao; 564.500 trường hợp thực hiện các biện pháp phòng, tránh thai, đạt 129% so với kế hoạch...
Tại buổi lễ, ông Võ Thành Đông, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, cho rằng TPHCM luôn là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về dân số.
Năm nay, Ngày Dân số Việt Nam nêu cao chủ đề “Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi" nhằm chuyển tải đến cộng đồng nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên.
Không chỉ hướng dẫn cách phòng tránh các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, biện pháp tránh thai hay sinh hoạt tình dục an toàn mà công tác truyền thông còn hướng đến việc chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân vị thành niên, thanh niên nhằm chuẩn bị tâm, sinh lý để xây dựng một gia đình hạnh phúc cả về thể chất lẫn tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.
Việt Nam là nước đông dân thứ 14 trên thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 khu vực Đông Nam Á; trong đó, có hơn 64 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm trên 68% dân số).
Tuy nhiên, thống kê cho thấy mỗi ngày tại Việt Nam vẫn diễn ra hơn 800 ca nạo, phá thai. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sinh sản của thanh niên Việt Nam trong tương lai.