Sự kiện diễn ra vào hôm nay (6/3) do CHANGE (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp cùng Đại sứ quán Thụy Sĩ, Quỹ Canada dành cho các sáng kiến địa phương (CFLI) và phường 14 (quận 10, TPHCM) tổ chức.
Ngày hội có nhiều hoạt động thú vị như tập huấn làm phân hữu cơ vi sinh, triển lãm đồ tái chế, gian hàng workshop làm đồ tái chế, và quầy đổi rác lấy quà. Đây là sự kiện diễn ra trong khuôn khổ dự án Khu Phố Xanh, nhằm quảng bá mô hình hoạt động của dự án và lối sống xanh đến người dân.
Ngày hội nêu cao thông điệp "Rác là tài nguyên khi được phân loại và tái chế đúng cách" thông qua hoạt động làm phân xanh, thu gom đổi rác lấy quà góp phần giảm lượng rác thải bị đem đi chôn lấp và tăng tỷ lệ rác thải được tái chế.
Dịp này, CHANGE hợp tác cùng Green Connect ra mắt và giới thiệu người dân máy xử lý rác hữu cơ Kompovi. Máy này có khả năng xử lý rác hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh, với công nghệ ứng dụng men vi sinh, đẩy nhanh tốc độ phân hủy rác trong 24 giờ. Với ưu điểm giá thành men vi sinh rẻ, và mô hình dễ nhân rộng, máy xử lý rác hữu cơ là một giải pháp tốt có thể đặt tại các chợ, siêu thị thực phẩm, khu chung cư, nhà hàng,...
Với mô hình thí điểm sử dụng máy xử lý rác hữu cơ lần này tại UBND phường 14, quận 10, dự án khu phố xanh hy vọng mô hình này sẽ mang lại tính ứng dụng cao và được nhân rộng ra khắp thành phố.
Bà Thới Thị Châu Nhi, Phó Giám đốc CHANGE, cho biết , thực phẩm thải bỏ và các chất hữu cơ khác, khi thối rữa sẽ tạo ra các khí nhà kính, chủ yếu là metan góp phần làm biến đổi khí hậu. Việc rác hữu cơ không được phân loại, vẫn còn được trộn lẫn với các chất vô cơ, đặc biệt là kim loại nặng hoặc các hóa chất từ đồ điện tử trong các bãi rác sẽ sản sinh các chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường đất và nước.
"Trước cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, việc người dân có thể áp dụng các sáng kiến đến từ cộng đồng như máy xử lý rác hữu cơ tập trung, hay đơn giản nhất là tự tay làm cho mình những thùng phân compost tại nhà, tận dụng thực phẩm thừa, phế phẩm hữu cơ làm phân xanh, thay vì thải bỏ chúng có thể tạo nên một cuộc cách mạng xanh", bà Nhi chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn