Đang bế con gái hơn 3 tuổi ngồi chờ khám, chị Lê Thị Ngọc (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, bé bị sổ mũi, sau đó bị đau bụng, tiêu chảy nhiều. "Tôi nghĩ thời tiết nắng nóng đã khiến con đổ bệnh. Tôi đưa con đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ cho đơn thuốc cho yên tâm", chị Ngọc chia sẻ.
BS.CKI Trương Thị Ngọc Phú, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Nhi đồng 2), cho biết, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao là thời điểm thuận lợi bùng phát một số bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, ngộ độc thức ăn; say nắng; các bệnh về da.
Trong các nhóm bệnh này, sốc nhiệt và bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa có nguy cơ diễn tiến nặng, gây nguy hiểm cho trẻ.
Tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, số trẻ đến khám do nôn ói, rối loạn tiêu hóa trong thời gian gần đây tăng khoảng 20% so với trước Tết. Theo bác sĩ, hệ miễn dịch của trẻ còn yếu, nguy cơ bệnh chồng bệnh. Thời tiết thất thường khiến trẻ biếng ăn, dẫn đến đề kháng kém và tăng nguy cơ mắc bệnh khi virus, vi khuẩn xâm nhập và tấn công.
Thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em, dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Nắng nóng cũng khiến thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn, là nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa.
Thời gian gần đây, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cũng tiếp nhận nhiều người bệnh có bệnh lý nền, hen, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim nhập viện. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng, nhiều người lớn tuổi có bệnh nền trở bệnh nặng.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Da Liễu TPHCM, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hàng trăm trường hợp bệnh lý về da do thời tiết như bỏng nắng, viêm da tiếp xúc do ánh nắng, sạm da… Phần lớn bệnh nhân đều là những người làm công việc ngoài trời tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), các vấn đề sức khoẻ thường gặp trong mùa nắng nóng bao gồm: say nắng, say nóng hay đột quỵ. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân tiếp xúc nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước hoặc là do thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Trong đó, nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do nắng nóng gồm có: người già, trẻ em và phụ nữ. Bên cạnh đó, còn có những người mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, đái tháo đường, gan, ung thư… và những người lao động ngoài trời.
Với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, HCDC khuyến cáo, cần bố trí thời gian làm việc hợp lý vào những lúc trời mát nhất trong ngày, chẳng hạn vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc, cần nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng 5-10 phút.
Bên cạnh đó, cần bảo vệ cơ thể khỏi ánh nắng, uống đủ nước và cung cấp đủ chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất cho cơ thể bằng cách ăn đủ loại thực phẩm như cá, thịt, trứng, rau và trái cây để tăng cường sức đề kháng.
Để phòng tránh các bệnh do nắng nóng gây ra, ThS.BS.CKII Lê Nhật Vinh, Phụ trách Khoa liên chuyên khoa Mắt - Tai Mũi Họng - Răng Hàm Mặt - Da Liễu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (TPHCM), khuyến cáo, với những người mắc bệnh mãn tính cần sử dụng thuốc, chế độ ăn uống theo đúng y lệnh của bác sĩ để kiểm soát được sự thay đổi của đường huyết, huyết áp… trong những ngày thời tiết thay đổi. Những người mắc bệnh mãn tính cần kiểm soát được bệnh ngay từ nhà, tránh thức khuya.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn