Theo ThS. Phạm Chánh Trung, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, nguyên nhân các cặp vợ chồng trẻ ngại sinh con hoặc sinh thêm và người trẻ cũng không muốn có con được tách biệt 2 nhóm: Một nhóm các cặp vợ chồng không muốn sinh thêm con và một nhóm muốn sinh nhưng không dám sinh thêm con.
Điểm chung của 2 nhóm này chính là sự lo lắng cho tương lai của gia đình với những áp lực của cuộc sống. Tuy nhiên, đối với nhóm không dám sinh thêm con thì áp lực lớn nhất chính là áp lực về kinh tế. Còn đối với nhóm không muốn sinh thêm thì có nhiều nỗi lo lắng về gánh nặng việc nhà và gia đình bên cạnh công việc ngoài xã hội, sự lo ngại về chất lượng môi trường sống và các điều kiện về y tế, giáo dục; và đặc biệt là các cơ hội phát triển, thăng tiến của bản thân và chất lượng cuộc sống của gia đình.
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, số người cao tuổi (trên 60 tuổi) của TPHCM là khoảng trên 841 nghìn người, chiếm tỉ lệ 9,3 - 9,6% trên tổng cơ cấu dân số. Tỷ lệ này năm 2022 là 11,03%. Những con số này cho thấy TPHCM đã bước vào tiến trình già hóa dân số.
Các cuộc khảo sát đều cho thấy, người cao tuổi cả nước và TPHCM đang đối diện với nhiều yếu tố nguy cơ về sức khỏe. Bình quân mỗi người mắc khoảng 3 loại bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch…, chưa kể tuổi tác cũng làm cho các chức năng của cơ thể suy giảm đáng kể.
Điều này kéo theo hàng loạt vấn đề như làm suy yếu khả năng tham gia các hoạt động xã hội, giảm thu nhập tăng thêm, tăng chi phí điều trị và từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Điều này cũng sẽ tác động đến trạng thái tinh thần của người cao tuổi, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình "già hóa khỏe mạnh".
Theo ThS. Phạm Chánh Trung, mặc dù chưa có nhiều kết quả nghiên cứu cụ thể cho TPHCM với những hệ lụy của quá trình già hóa dân số. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của rất nhiều quốc gia và cảnh báo của các chuyên gia, quá trình già hóa dân số nhanh sẽ dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội vốn chưa kịp thích ứng với đặc thù cơ cấu dân số già, về tất cả mọi mặt: y tế, kinh tế xã hội, hạ tầng dịch vụ cho người cao tuổi và lại đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động. Đây là những thách thức rất lớn đối với quá trình phát triển.
Đối với thế hệ trung niên của thành phố, việc chuẩn bị cho một tuổi già khỏe mạnh về sức khỏe và bình ổn về tài chính cũng là một thách thức rất lớn đòi hỏi việc thích ứng với già hóa dân số phải có những bước hành động từ ngay bây giờ.
Từ các nguyên nhân ở trên, cho đến hiện nay, TPHCM đang đi những bước đi thận trọng trong việc điều chỉnh mức sinh dựa trên việc quan sát các kinh nghiệm của các nước trên thế giới và dựa trên ý kiến đóng góp của chuyên gia và ý kiến của chính người dân phản hồi qua nhiều kênh truyền thông.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cũng đã tổ chức các Hội thảo, Tọa đàm với sự tham gia của nhiều chuyên gia, diễn giả trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm các hướng giải pháp đối với vấn đề mức sinh thấp. Hiện nay, Chi cục đã có những đề xuất tham mưu đối với Sở Y tế trong Dự thảo về chính sách Dân số tại TPHCM đến năm 2030 để trình Hội đồng Nhân dân thành phố trong kỳ họp gần nhất, có thể vào cuối năm 2023.
Cụ thể, các giải pháp đề xuất được tập trung vào việc hỗ trợ về mua nhà ở xã hội một lần đối với các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, hỗ trợ viện phí (kinh phí đồng chi trả, ngoài chi phí bảo hiểm y tế thanh toán) cho các cặp vợ chồng ở lần sinh con thứ hai, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn...
Song song với các giải pháp cũng đang được đề xuất tập trung vào việc hỗ trợ "toàn diện" cho các cặp vợ chồng an tâm sinh con và nuôi dạy con với sự phối hợp của nhiều ban ngành đoàn thể như: hoàn thiện hệ thống chăm sóc y tế - giáo dục, miễn giảm học phí, thay đổi hình thức - thời gian trông trẻ mầm non - mẫu giáo, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, điều chỉnh chế độ nghỉ thai sản…
Quá trình già hóa dân số của TPHCM đã diễn ra từ những năm 2010 dưới tác động của mức sinh thấp và tuổi thọ trung bình không ngừng được nâng cao. Theo số liệu thống kê năm 2022, TPHCM có 1.033.355 người cao tuổi, chiếm 11,03%. Khi dân số cao tuổi không ngừng tăng, quy mô gia đình ngày càng thu hẹp, gánh nặng bệnh tật kép của dân số cao tuổi ảnh hưởng đến tuổi thọ khỏe mạnh thì việc tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi là một nhu cầu cấp thiết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn