TPHCM: Người tiêu dùng an tâm với chợ an toàn thực phẩm

13:00 | 21/11/2024;
Mô hình “Chợ an toàn thực phẩm” không chỉ tạo thêm niềm tin mua sắm đối với người tiêu dùng mà còn góp phần tăng thêm khả năng cạnh tranh của chợ truyền thống với các kênh kinh doanh, bán lẻ hiện đại.

Nhiều ngày trong tuần, chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12, TPHCM) đều là điểm đến của chị Nguyễn Thùy Linh (39 tuổi) để mua thực phẩm chuẩn bị cho bữa cơm của gia đình. Theo chị Linh, thay vì lựa chọn các kênh mua sắm khác, chị lựa chọn chợ truyền thống này bởi chợ được tổ chức quy củ, đặc biệt vấn đề an toàn thực phẩm luôn được các tiểu thương đặt lên trên hết.

"Hàng hóa bán tại chợ đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, giá cả cũng hợp lý nên tôi yên tâm mua sắm", chị Linh chia sẻ.

Có tổng diện tích hơn 7.700m2 với 227 thương nhân đang kinh doanh tại chợ, trong đó có 179 thương nhân là hội viên phụ nữ; từ tháng 9/2024, chợ Tân Chánh Hiệp được chọn để triển khai mô hình "Chợ an toàn thực phẩm".

"Chợ an toàn thực phẩm" yêu cầu kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; quầy sạp, trang thiết bị sạch sẽ. Đây cũng một trong những giải pháp góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân và cần nhân rộng, nhất là ở nơi có đông dân cư như TPHCM.

TPHCM: Người tiêu dùng an tâm với chợ an toàn thực phẩm- Ảnh 1.

"Chợ an toàn thực phẩm" góp phần tăng niềm tin của người tiêu dùng vào chất lượng của sản phẩm

Mục tiêu của "Chợ an toàn thực phẩm" là hướng đến đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng, quản lý và kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các chợ truyền thống. Mô hình sẽ tập trung vào các hoạt động: truyền thông cho thành viên tham gia mô hình các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, kiến thức và kỹ năng sản xuất, kinh doanh, bảo quản, quảng bá cũng như tiêu thụ thực phẩm an toàn, chất lượng…

Chị Phạm Thị Thu Hằng- kinh doanh ngành hàng tạp hóa tại chợ, chia sẻ, hàng hóa bán tại chợ đều có nguồn, xuất xứ rõ ràng, hóa đơn phải lưu lại. Bên cạnh đó, tiểu thương tại chợ cũng thường xuyên được đi học kỹ năng bán hàng, các chị em đều đảm bảo sản phẩm kinh doanh ở chợ đều đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Liên - kinh doanh ngành hàng thủy sản, cho biết, với mô hình chợ an toàn thực phẩm, quầy hàng được trang bị thêm bảng hiệu để khách dễ nhận biết; điểm bán vệ sinh hơn trước, có đường thoát nước, lối đi thông thoáng nên người đi chợ không còn ngại vào chợ mỗi khi trời mưa.

Hiện nay, mô hình "Chợ an toàn thực phẩm" tại chợ Tân Chánh Hiệp đang có 50 thành viên. Việc kinh doanh hàng thực phẩm tại chợ luôn đảm bảo truy xuất nguồn gốc đối với các hàng thực phẩm. Cụ thể, thực phẩm chế biến phải có hóa đơn, chứng từ, còn thực phẩm tươi sống phải có chứng từ từ các lò giết mổ hoặc các hóa đơn bán lẻ, còn những sản phẩm tự sản xuất ở địa phương phải có sổ cập nhật.

TPHCM: Người tiêu dùng an tâm với chợ an toàn thực phẩm- Ảnh 2.

Tập huấn hướng dẫn đánh giá tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm

Bà Đỗ Thị Hồng Ánh, Trưởng Ban quản lý chợ - Chủ nhiệm mô hình "Chợ an toàn thực phẩm", cho biết, thực tế, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được tiểu thương tại chợ chú trọng, đảm bảo từ rất lâu. Các tiểu thương tại chợ cũng thường xuyên được tập huấn về an toàn thực phẩm.

Với việc triển khai mô hình, các chị em tiểu chương càng có điều kiện, kiến thức để tích cực tham gia vào việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng niềm tin của người tiêu dùng. "Thực tế, chợ truyền thống hiện không còn đắt khách như xưa, nhưng nếu so với nhiều chợ khác thì chợ Tân Chánh Hiệp vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Việc triển khai chợ an toàn thực phẩm giúp cho người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng hàng hóa hơn nhiều; nhiều người khen dữ lắm bởi chợ được tổ chức quy củ, nề nếp", bà Ánh chia sẻ.

Cũng theo bà Ánh, các tiểu thương tại chợ luôn cố gắng để chứng minh hàng hóa tại chợ không thua gì các kênh kinh doanh, mua sắm hiện đại; giá cả hợp lý. Đặc biệt, ban quản lý chợ luôn kiểm tra hàng hóa tại chợ một cách chặt chẽ; kiểm tra thực tế trên thực phẩm chứ không chỉ trên giấy tờ, rau củ quả không đảm bảo thì yêu cầu tiêu hủy để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng.

Với mô hình này, người bán tại chợ được tập huấn kỹ năng cần thiết, kiểm tra sức khỏe; các điểm kinh doanh thực phẩm có biển hiệu ghi rõ tên mặt hàng kinh doanh; vệ sinh sạch sẽ khu vực kinh doanh thực phẩm và lối đi xung quanh quầy hàng; thực phẩm sống cách ly thực phẩm chín… Điều này giúp người tiêu dùng được mua những cái sản phẩm đảm bảo về chất lượng cũng như nguồn gốc và an toàn.

Hội LHPN quận 12 (TPHCM)

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn