TPHCM: Nhiều “ma men” viện lý do “khó đỡ” khi bị đo nồng độ cồn

19:22 | 02/12/2023;
Lái xe suýt té ngã, đứng không vững nhưng khi bị đo nồng độ cồn, các “ma men” viện đủ lý do như hỗ trợ bạn về nhà, đi cứu anh em xã hội bị cướp.

Những ngày qua, Đội CSGT – TT Công an quận Bình Thạnh, TPHCM đã phối hợp cùng Đội CSGT – TT Công an quận Gò Vấp, Đội CSGT Hàng Xanh, Phòng CSGT Công an TPHCM (Cụm 8) thực hiện kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn với người tham gia giao thông.

Việc kiểm tra cả ngày lẫn đêm khuya giúp cho lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, kiểm soát người vi phạm nồng độ cồn.

TPHCM: Nhiều “ma men” viện lý do “khó đỡ” khi bị đo nồng độ cồn- Ảnh 1.

Nhiều chốt kiểm tra nồng độ cồn sẽ hoạt động cả ngày lẫn đêm. Trong ảnh: CSGT kiểm tra nồng độ cồn vào đầu giờ chiều tại giao lộ Nguyễn Xí – Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh

Tại giao lộ đường Phạm Văn Đồng – Phan Văn Trị, tiếp giáp giữa quận Gò Vấp và quận Bình Thạnh, lực lượng phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

"Ma men" viện cớ đi cứu người

Tối cuối tuần, anh N.H.C. (SN 1988, quê Hà Tĩnh) điều khiển xe máy chạy trên đường Phan Văn Trị, tổ công tác ra hiệu dừng xe và phát hiện anh này có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn.

Người này "cù nhây" nói đang đi cứu người. "Đứa em xã hội của tôi bị dàn cảnh cướp, tôi chạy đến để cứu nó, các anh phải thông cảm vì tôi làm việc có ích mà", C. viện cớ.

Sau đó, CSGT đã nhiều lần giải thích và yêu cầu người vi phạm chấp hành thổi vào máy đo độ cồn nhưng người này nhất quyết không chấp hành: "Tôi đi cứu người mà sao thổi".

TPHCM: Nhiều “ma men” viện lý do “khó đỡ” khi bị đo nồng độ cồn- Ảnh 2.

Anh C. đang “cù nhây” với CSGT nói rằng mình đi cứu người nên không muốn bị đo nồng độ cồn

Lúc này, người vi phạm xin CSGT cho thêm thời gian để gọi điện thoại cho "người anh em xã hội".

Hơn 30 phút sau, 1 thanh niên đến chốt kiểm tra của CSGT xưng là em của C. và liên tục gây áp lực với tổ công tác, cho rằng: "Việc đi cứu người là sai hay sao mà CSGT phải kiểm tra nồng độ cồn?".

Tổ công tác tiếp tục giải thích và cương quyết yêu cầu anh C. chấp hành, nếu không sẽ thực hiện cưỡng chế. Sau đó CSGT đo nồng độ cồn C. phát hiện mức 0.643mg/lít khí thở. Lúc này "ma men" chấp nhận ký biên bản vi phạm.

Lái xe suýt té vẫn viện lý do hỗ trợ đưa bạn về nhà

Tương tự, ông L.P.N. (ngụ P.11, quận Bình Thạnh) không đội mũ bảo hiểm, suýt té ngã tại gần khu vực nên tổ công tác đã yêu cầu người này đo độ cồn.

Qua kiểm tra, ông N. cho kết quả 1.275mg/lít thở. Bị phát hiện có nồng độ cồn, ông N. viện cớ xin tha: "Tôi uống có 2 lon thôi, tôi thấy cặp đôi trẻ gần té ngã nên tôi chạy theo để hỗ trợ. Tha cho tôi đi mà".

TPHCM: Nhiều “ma men” viện lý do “khó đỡ” khi bị đo nồng độ cồn- Ảnh 4.

Mức nồng độ cồn 1.275mg/ lít thở của ông N.

Trước lý do "khó đỡ" của "ma men", CSGT chỉ biết lắc đầu ngao ngán và lập biên bản xử phạt hành chính. Với lỗi vi phạm trên, ông N. sẽ bị CSGT lập biên bản vi phạm hành chính và sẽ bị xử phạt số tiền 6-8 triệu đồng, tước GPLX 22-24 tháng, tạm giữ xe 7 ngày.

Một trường hợp khác, anh T. (ngụ TPHCM) say ngất ngưỡng, lái xe không vững đã bị tổ công tác mời vào chốt kiểm tra. Kết quả, anh T. có nồng độ cồn mức 0.961mg/lít khí thở.

TPHCM: Nhiều “ma men” viện lý do “khó đỡ” khi bị đo nồng độ cồn- Ảnh 5.

Anh T. sau 30 phút xin tha đủ kiểu, cuối cùng chấp nhận chịu phạt

Người này nói mình đang công tác tại một phường trên địa bàn TPHCM, mong tổ công tác tha cho nhưng không thành nên gọi điện thoại cầu cứu.

Gần 1 tiếng "cù nhây", thanh niên này tiếp tục tìm cách xin CSGT bỏ qua. Tuy nhiên, CSGT yêu cầu người này ký vào biên bản, đến khi tổ công tác gọi cho Công an phường 1, quận Gò Vấp, người này mới chấp hành.

Phòng CSGT Công an TPHCM cho biết, việc kiểm tra nồng độ cồn liên tục 24/7 này sẽ kéo dài đến Tết, nhằm góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, kéo giảm các vụ tai nạn giao thông thương tâm do nồng độ cồn, chất kích thích gây ra.

Từ ngày 24/11 đến 1/12, CSGT tổng kiểm soát hơn 45.400 trường hợp, lập biên bản xử lý gần 1.400 trường hợp vi phạm (48 ô tô, còn lại là xe máy).

Trong đó, CSGT ghi nhận 2 trường hợp có ma túy trong cơ thể mà vẫn lái ô tô, 6 trường hợp có ma túy lái xe máy và 1 trường hợp người đi xe máy vừa có cồn vừa có ma túy.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn