Đây là ý kiến của bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), tại buổi khảo sát về tình hình thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM ngày 2/5.
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, trong thời gian gần đây, Bệnh viện Từ Dũ đã tiếp nhận và điều trị cho rất nhiều trường hợp tai biến sản khoa. Trong đó, người bệnh đến bệnh viện trong tình trạng tổn thương nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. Hầu hết trường hợp đều cho biết trước đó đã thực hiện thủ thuật tại các phòng khám tư nhân do bác sĩ quốc tịch Trung Quốc thực hiện.
“Theo quy định, tuyến phòng khám tư nhân không được thực hiện thủ thuật phá thai khi thai quá lớn, nhưng thực tế một số phòng khám Trung Quốc phá thai khi thai đã 13-14 tuần, thậm chí 18 tuần và không ít lần gây ra tai biến khiến bệnh nhân bị thủng ruột. Những trường hợp này nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ chết vì thủng ruột gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng nhiễm độc”, bác sĩ Mỹ Nhi cho hay.
Sau những trường hợp trên, Bệnh viện Từ Dũ đã có phản hồi đến Sở Y tế TP.HCM. Sở cũng đã có những hoạt động kiểm soát chặt chẽ hơn. Cụ thể, Sở Y tế Thành phố đã tổ chức khóa đào tạo liên tục cập nhật kiến thức pháp luật và chuyên môn cho bác sĩ nước ngoài, trong đó phần lớn là bác sĩ người Trung Quốc.
Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, trên thực tế tiếp xúc trực tiếp và hướng dẫn, đào tạo cho thấy trình độ các bác sĩ Trung Quốc rất đáng quan ngại. Do đó, kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu phân cấp về Sở Y tế trong việc cấp phép và quản lý, giám sát đối với phòng khám, bác sĩ có quốc tịch nước ngoài. Cần phải có những quy định nghiêm khắc, xử lý mạnh tay đối với các bác sĩ Trung Quốc vi phạm. Đồng thời duy trì khóa đào tạo liên tục cập nhật kiến thức pháp luật và chuyên môn cho bác sĩ nước ngoài một cách thường xuyên, liên tục.
Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết, thời gian qua, tình trạng các bác sĩ nước ngoài, đặc biệt là bác sĩ mang quốc tịch Trung Quốc hành nghề trên địa bàn thành phố vi phạm Luật Khám bệnh, chữa bệnh diễn ra phổ biến. Dù Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt. Tuy nhiên mức độ xử phạt chỉ ở phần ngọn, sau khi bị xử phạt các cá nhân, các cơ sở vẫn tái phạm nhiều lần.
Theo ông Thượng, thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Trung Quốc là do Bộ Y tế cấp chứ không phải là Sở Y tế. Vì thế, Sở Y tế mới chỉ xử phạt vi phạm mà không thể tước giấy phép. Đây chính là kẽ hở cho các đối tượng này tái diễn vi phạm.
Các bác sĩ đề xuất Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần thay đổi quy định, giao quyền cấp phép và rút giấy phép hành nghề đối với bác sĩ nước ngoài cho Sở Y tế các địa phương. Đồng thời, Luật cũng cần bổ sung quy định nghiêm ngặt đối với bác sĩ người nước ngoài nhằm tạo sự răn đe như rút giấy phép và trục xuất về nước khi vi phạm quy định lần thứ 2.