TPHCM phân luồng cơ hội học tập cho 2 vạn thí sinh rớt lớp 10 công lập

17:56 | 06/07/2018;
Năm nay, có khoảng 20.000 học sinh tại TPHCM rớt lớp 10 công lập. Tuy nhiên, thành phố vẫn còn nhiều cánh cửa rộng mở đón số học sinh này.
Nhiều lựa chọn
 
Chiều ngày 6/7, có khá đông phụ huynh và học sinh nộp hồ sơ nhập học tại Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4, TP.HCM). Đây là một trong những trường có điểm chuẩn lớp 10 tăng cao nhất trong số 103 trường THPT công lập trên địa bàn; với mức tăng 7,75 điểm (năm trước 15 điểm,  năm nay 22,75 điểm).
 
Chị Nguyễn Thị Loan (ngụ Q.4, TP.HCM) cho biết, rất may vì con trai chị thi điểm khá cao và đủ điểm để vào trường THPT Nguyễn Trãi, cũng là nguyện vọng 1 của cháu. Khi được hỏi về số điểm chuẩn tăng cao so với nắm ngoái, chị Loan cho biết hoàn toàn không bất ngờ với điều này.
 
Cũng theo chị Loan, nếu không đậu vào trường THPT Nguyễn Trãi thì chị sẽ cho con trai đi học nghề hoặc vào một trường dân lập, chị hoàn toàn không gặp áp lực trong việc lựa chọn trường cho con.
 
“Cháu có đăng ký nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3 ở các trường trên địa bàn quận 7 và huyện Nhà Bé. Như vậy thì đi học sẽ xa nhà mà rất nguy hiểm. Bây giờ học dân lập hay học nghề cũng rất tốt, không có vấn đề gì cả”, chị Loan chia sẻ.
 
dsc_9596.JPG
Phụ huynh nộp hồ sơ cho con tại trường THPT Nguyễn Trãi, Q.4.

 

Trong khi đó, chị Thúy Uyên (ngụ Q.11, TP.HCM) - có con rớt lớp 10 trường công lập - cho biết, chị sẽ chọn cho con một trường tư gần nhà để học. Đối với chị Uyên, vấn đề học phí không quá quan trọng mà chị hy vọng chất lượng đào tạo của các trường ngoài công lập được đảm bảo.
 
Bà Võ Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố (Q.2, TP.HCM), cho biết, ngay từ sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn lớp 10, nhà trường đã có hướng dẫn đến phụ huynh, học sinh về việc chuẩn bị hồ sơ nhập học. Đến ngày 9/7, trường sẽ bắt đầu nhận hồ sơ nhập học của học sinh.
 
Theo bà Huyền, hiện nay, tâm lý của nhiều phụ huynh vẫn mong muốn được cho con em mình được vào trường THPT công lập. Tuy nhiên, đối với các em không may rớt công lập thì bản thân các em và phụ huynh cũng không quá nặng nề mà có thể tiếp tục học tập tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hay các trường dân lập.
 
“Có nhiều phụ huynh tỏ ra buồn vì con không vào được trường mà mình mong muốn. Nhiều người đổ lỗi cho việc tư vấn ở cấp 2 không được tốt. Tuy nhiên, không phải rớt công lập là tương lai của các em kết thúc mà các em còn rất nhiều lựa chọn khác, hứa hẹn cũng rất tốt đẹp”, bà Huyền chia sẻ.
 
Trường ngoài công lập tuyển sinh đến 15/8
 
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, năm nay với số lượng tuyển sinh hơn 68.000 chỉ tiêu trên tổng số trên 87.000 thí sinh dự thi thì có khoảng 20.000 em học sinh của TP.HCM không vào lớp 10 công lập.
 
Tuy nhiên, TP.HCM cũng đã có kế hoạch phân luồng tạo các cơ hội học tập cho các em học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 công lập. Theo đó, còn hơn 34.000 chỉ tiêu vào các trường TCCN, Trung tâm GDTX và trường THPT ngoài công lập.
 
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết, nếu không đạt điểm chuẩn vào các trường như mong muốn thì các em học sinh vẫn có thể học tiếp ở các trung tâm GDTX. Hiện nay, ở các trung tâm này vẫn dạy theo chương trình THPT và thi cũng cùng đề với hệ THPT. Tốt nghiệp ở hệ THPT hay bổ túc hiện nay cũng không bị phân biệt, nhiều trường ĐH vẫn nhận vào học.
 
lop-10.jpg
Có nhiều lựa chọn cho học sinh rớt lớp 10 công lập. Ảnh minh họa

 

Theo ông Hiếu, riêng với các trường THPT ngoài công lập, TP.HCM hết sức tạo điều kiện cho các trường tuyển sinh. Các trường này được quyền chủ động tuyển sinh trong thời gian hè và kết thúc trước 15/8 - tức dài hơn các trường công lập.
 
Thậm chí nhiều em trúng tuyển trường công lập vẫn có thể lựa chọn học ở các trường ngoài công lập. Đây cũng là cơ hội để phụ huynh học sinh lựa chọn, nếu trúng tuyển vào các trường công lập ở quá xa thì có thể cân nhắc học ở trường ngoài công lập gần nhà để đảm bảo sức khỏe, đi lại thuận lợi cho cả 3 năm học phổ thông.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn