Ngày 24/9, UBND TPHCM tổ chức hội nghị Đối thoại Hữu nghị lần thứ hai năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm phát triển và ưu tiên hợp tác". Tham dự hội nghị có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và hơn 35 đoàn lãnh đạo đến từ các địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với TPHCM.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, chuyển đổi công nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp thiết đối với TPHCM và các đô thị trên toàn thế giới. Trước áp lực kép từ việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong khi đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội ngày càng khắt khe, thành phố buộc phải đổi mới và thích ứng. Hành trình chuyển đổi công nghiệp của TPHCM được thúc đẩy bởi cả động lực nội tại và những xu hướng toàn cầu.
Về khía cạnh nội tại, để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững, TPHCM cần phải chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn.
Theo số thống kê, hiện tại tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GDP của thành phố. Mục tiêu của TPHCM là nâng tỷ trọng này lên 40% vào năm 2030, qua đó không chỉ duy trì sự đóng góp của thành phố vào nền kinh tế quốc gia mà còn củng cố vị thế dẫn đầu của thành phố trong cả nước và khu vực.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM, về xu hướng toàn cầu, thị trường quốc tế đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ, hướng tới các phương thức sản xuất bền vững và có trách nhiệm hơn. Để ứng phó với những thách thức này, TPHCM đã áp dụng một chiến lược kép, kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Mục tiêu của thành phố là xây dựng một nền kinh tế bền vững, bao trùm và có khả năng phục hồi, trở thành mô hình có thể tham khảo đối với các địa phương.
TPHCM cũng đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào tự động hóa, nhà máy thông minh, và công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cấp chuỗi giá trị.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, chuyển đổi công nghiệp là một hành trình không thể thực hiện đơn lẻ. Hướng tới tương lai, TPHCM cam kết sẽ tiếp tục là một đối tác năng động, cởi mở và chân thành với các địa phương trên thế giới. Thông qua việc thúc đẩy tinh thần hữu nghị và hợp tác, không chỉ đạt được các mục tiêu chung mà còn xây dựng một tương lai tốt đẹp cho nhân loại.
Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, quá trình phát triển của Việt Nam luôn gắn kết chặt chẽ với các xu thế của toàn cầu.
Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Trong đó, TPHCM sẽ tiếp tục đóng vai trò động lực, đầu tàu dẵn dắt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; là "trung tâm" lớn của Việt Nam về kinh tế, tài chính, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo; là "cửa ngõ" quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng, lịch sử chuyển đổi công nghiệp trên toàn cầu cho thấy, trong mỗi cuộc cách mạng, để đón đầu những thành công, các nước cần có tư duy phát triển và cách tiếp cận mới để kịp thời thích ứng với thay đổi. "Bài học thành công của một số nước công nghiệp hoá đi sau cũng khẳng định, nhất thiết phải chú trọng đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực, coi công nghệ và phát triển nguồn nhân lực là con đường chủ đạo để vượt qua "bẫy thu nhập trung bình", coi con người là nhân tố trung tâm của công cuộc chuyển đổi công nghiệp", Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn