Thời tiết nắng nóng tại TPHCM và các tỉnh/thành Nam bộ trong những ngày qua khiến cho số lượng bệnh nhi đến bệnh viện khám về các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa tăng cao.
Ghi nhận ngày 25/4 tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy số lượng bệnh nhi được cha mẹ đưa đến đây thăm khám rất đông. Vừa rời khu vực quầy thuốc để mua các loại thuốc được bác sĩ kê đơn cho con gái mới hơn 2 tuổi, chị Lê Thị Ngọc (33 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM ) cho biết con gái bị ho, nóng sốt suốt nhiều ngày qua nên chị đưa đi khám và được bác sĩ chẩn đoán bị viêm phế quản cấp.
"Thời tiết mấy ngày nay quá nắng nóng. Tôi đã chăm sóc con khá kỹ càng nhưng bé vẫn bị nóng sốt, ho nhiều, còn bị nôn ói. Tôi có ra nhà thuốc để mua thuốc cho bé uống nhưng vẫn không thấy đỡ nên đưa cháu đến bệnh viện khám. Hy vọng cháu sẽ nhanh chóng khỏe lại", chị Ngọc chia sẻ.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng ghi nhận lượng bệnh nhi đến thăm khám đông đúc. Những ngày qua, trung bình mỗi ngày, khoa Khám bệnh của Bệnh viện này tiếp nhận khoảng 4.000 trường hợp trẻ đến khám. Số trẻ đến khám do bệnh lý hô hấp chiếm 1/2, bên cạnh đó là trẻ gặp các vấn đề về tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.
Đại diện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, thời tiết nắng nóng những ngày gần đây cũng khiến cho số bệnh nhi tại khoa Nhi của Bệnh viện tăng cao. Lý giải điều này, bác sĩ Nguyễn Hữu Lĩnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn - cho biết, vào mùa nắng nóng độ ẩm trong không khí khá cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển. Ở trẻ em do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ mắc một số bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi hoặc sốt siêu vi khi thời tiết thay đổi.
Ngoài ra, thời tiết nắng nóng khiến cho thức ăn dễ bị hư thiu, môi trường ô nhiễm phát tán mầm bệnh tiêu chảy làm cho các vấn đề tiêu hóa ở trẻ, đặc biệt là tiêu chảy cấp (viêm dạ dày ruột cấp) trở nên nghiêm trọng hơn.
Chăm sóc trẻ sao cho đúng?
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Lĩnh để phòng ngừa bệnh cho trẻ trong mùa nắng nóng, ba mẹ nên hướng dẫn trẻ hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng và rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước và sau khi ăn, hạn chế để trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh và tiêm phòng vaccine cho trẻ đầy đủ.
"Bên cạnh đó, ba mẹ cũng cần chú ý sử dụng nước và thực phẩm an toàn, bảo quản thức ăn cho trẻ để tránh các bệnh về đường tiêu hóa", bác sõ Lĩnh nhấn mạnh.
Bác sĩ Trương Thị Ngọc Phú, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết, chăm sóc cho trẻ mùa nắng nóng là vấn đề quan trọng do sức khỏe của trẻ luôn chịu ảnh hướng lớn từ thời tiết. Tỉ lệ lượng nước trong cơ thể cũng như hệ miễn dịch của trẻ khác với người lớn nên thời tiết nắng nóng làm cho cơ thể trẻ tiết ra nhiều mồ hôi để giải nhiệt, trẻ dễ bị mất nước kèm mất điện giải đồng thời là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus tấn công.
Để bảo vệ cho trẻ trong thời tiết nắng nóng, bác sĩ Ngọc Phú khuyến cáo các bậc phụ huynh cần bổ sung lượng nước đầy đủ, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất, nhiều vitamin có trong trái cây. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, nước ngọt có ga. Chế biến và bảo quản thức ăn đảm bản an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cần tạo thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ, hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, giúp loại bỏ những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ đôi bàn tay bé. Phụ huynh nên lưu ý tiêm vaccine đầy đủ cho trẻ, đây chính là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả. Song song đó, mỗi gia đình nên giữ môi trường sống trong lành nhằm hạn chế sự lây lan các bệnh lý truyền nhiễm.
Ngoài ra, thời tiết oi bức nên cho trẻ mặc đồ thoáng mát. Trẻ có thể bị say nắng nếu tham gia các hoạt động ngoài trời quá lâu, khiến cơ thể bị mất nước và muối khoáng qua sự bài tiết mồ hôi trên da, qua hơi thở. Trong trường hợp trẻ không may mắc bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn