TPHCM tính đến tình huống dịch gia tăng mạnh sau 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16

22:30 | 13/07/2021;
Nếu dịch gia tăng mạnh sau 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TPHCM tính đến tình huống phải siết chặt phong tỏa và đề xuất với Trung ương để quyết định giải pháp phù hợp.

Chiều 13/7, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

3 tình huống xảy ra sau 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, từ khi thực hiện Chỉ thị 16, thành phố đã tập hợp các dữ liệu một cách có hệ thống. Trên nền dữ liệu này, thành phố tiến hành phân tích số ca dương tính, diễn biến của dịch bệnh. Đây chính là cơ sở để Ban chỉ đạo đề ra các biện pháp phòng chống dịch.

Hiện tại, thành phố đang tập trung tầm soát F0 có trọng tâm trọng điểm, tách F0 khỏi cộng đồng nhanh nhất có thể. Đồng thời, tập trung cho công tác tiêm vaccine; tiến hành cách ly, thu dung điều trị F0 và tập trung các nguồn lực điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng hoặc diễn biến nặng.

Về những tình huống có thể xảy ra sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TPHCM cho biết, thành phố dự đoán sẽ có 3 tình huống.

Thứ nhất, dịch bệnh được kiểm soát, thành phố thực hiện điều chỉnh giải pháp phòng chống dịch theo thực tế.

Thứ hai, dịch bệnh chưa được kiểm soát, sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường ở một số địa bàn.

Thứ ba, dịch gia tăng mạnh, thành phố đã tính đến tình huống phải siết chặt phong tỏa và đề xuất với Trung ương để quyết định giải pháp phù hợp.

TPHCM tính đến tình huống dịch gia tăng mạnh sau 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 - Ảnh 1.

Họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM - ẢNh: TTBC

Dù tình huống nào xảy ra, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TPHCM nhấn mạnh, thành phố vẫn phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và triệt để yêu cầu 5K, nhất là khoảng "thời gian vàng" này. Các cơ quan chức năng, lực lượng công tác trực tiếp tham gia phòng chống dịch phải thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ để đạt hiệu quả cao nhất.

Nhằm đạt được kết quả cao nhất, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ mong rằng, người dân thành phố, các cấp, các ngành, tổ chức tiếp tục chung sức, đồng lòng thực hiện tốt các quy định trong 10 ngày còn lại.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ rà soát các kế hoạch, phương án nhằm đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá, cơ sở vật chất, trang thiết bị điều trị, hỗ trợ cho những người đang khó khăn…

TPHCM  luôn đặt ưu tiên phòng chống dịch lên hàng đầu, sức khoẻ, tính mạng của người dân được đặt lên trên hết. Do đó, việc duy trì sản xuất trong điều kiện phòng chống dịch phải đảm bảo nguyên tắc "nơi nào an toàn mới tổ chức sản xuất".

Các giải pháp hiện nay đều chưa có tiền lệ

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, có 16.346 trường hợp mắc Covid-19 phát hiện tại TPHCM đã được Bộ Y tế công bố. Hiện thành phố đang điều trị 15.647 bệnh nhân dương tính mới, trong đó có 224 bệnh nhân nặng đang thở máy (8 trường hợp cần can thiệp ECMO).

Theo ông Hưng, các giải pháp hiện nay đều chưa có tiền lệ, việc cân nhắc và lựa chọn giải pháp để triển khai là tùy thuộc vào tình hình thực tế. Việc triển khai cách ly F1, F0 tại nhà cần tuân thủ nghiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân. Ngoài những tiêu chí, yêu cầu của Bộ Y tế, tùy diễn biến dịch bệnh trên địa bàn TPHCM, Sở Y tế sẽ tham mưu và đề xuất cụ thể với UBND thành phố để có những chỉ đạo kịp thời, phù hợp.

Ngành Y tế thành phố đang tập trung công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 bởi số lượng bệnh nhân Covid-19 tăng cao mỗi ngày.

TPHCM tính đến tình huống dịch gia tăng mạnh sau 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 - Ảnh 2.

Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng - Ảnh: TTBC

Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, việc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là điều kiện cần để tạo môi trường thuận lợi nhằm tăng cường và siết chặt các giải pháp khác, nhất là việc truy vết và tìm ra các F0 tiềm ẩn trong cộng đồng. Cùng với đó, ngành y tế thực hiện đẩy mạnh chiến dịch xét nghiệm mở rộng và tầm soát trong cộng đồng có trọng tâm, trọng điểm.

Liên quan đến việc cung ứng hàng hóa trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, lượng lương thực thực phẩm chuyển về thành phố trong ngày hôm nay (13/7) đạt khoảng 1.900 tấn, tăng 100 tấn so với ngày 12/7, trong đó chủ yếu là thực phẩm tươi sống.

TP Thủ Đức đã triển khai xong điểm tập kết trung chuyển hàng hóa tại 2 bãi container của chợ đầu mối Thủ Đức để đưa hàng hóa về cho các chợ truyền thống.

Để khắc phục khó khăn về kênh phân phối, Sở Công thương đã vận động nguồn lực hỗ trợ từ doanh nghiệp. Trong đó, Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Việt Nam Post) đã hỗ trợ bằng cách đưa các bưu cục ở địa phương trở thành điểm bán hàng lưu động. Cụ thể, Viettel Post hỗ trợ 34 điểm bán, Việt Nam Post dự kiến đăng ký 200 điểm bán. Sở Công Thương phụ trách đưa hàng hóa tới điểm bán để phục vụ người dân.

Ngoài ra, Sở phối hợp với các doanh nghiệp logistic tổ chức bán hàng lưu động. Trong ngày 13/7 đã tổ chức 24 điểm bán với 30 lượt xe, chủ yếu cung cấp hàng hóa thiết yếu cho các địa bàn gặp khó khăn về hệ thống phân phối.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn