TPHCM tuyên dương 110 tấm gương trọn nghĩa, vẹn tình

18:20 | 25/07/2017;
Những con người bước ra từ chiến tranh, những người may mắn sống sót trở về nhưng một phần thân thể đã để lại chiến trường. Nỗi đau thể xác không quật ngã ý chí vươn lên trong thời bình. Họ là những thương binh, bệnh binh “tàn nhưng không phế” tại TPHCM.
a3.jpg
Các khách mời chia sẻ tại buổi giao lưu 

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, sáng 25/7, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM (UB MTTQ VN)  đã tổ chức tuyên dương 110 tấm gương trọn nghĩa, vẹn tình, cùng thương binh vượt khó, đang công tác, sinh sống trên địa bàn thành phố. Đây là dịp để những người đồng chí, đồng đội gặp lại nhau, cùng ôn lại kỷ niệm xưa và để thế hệ hôm nay thấy được sự “lấp lánh” của các thương binh, bệnh binh trong cuộc sống đời thường”.

Rất nhiều tấm gương thương binh vượt khó vươn lên được mời đến hội trường, mỗi người là một tấm gương sáng cần được tôn vinh.

Câu chuyện của Cô Đỗ Thị Thanh Thu (82 tuổi, phường 12, quận Tân Bình, TPHCM) đã làm xúc động cả hội trường. Năm 1960, Cô Thu được kết nạp vào Đội Biệt động Sài Gòn, năm 1965 cô về Quân khu 5 chiến đấu. Sau chiến tranh, cô phải chịu nhiều nỗi đau, hai người con của cô đều bị di chứng do chất độc Dioxin. Người con đầu chỉ sống đến 16 tuổi, người con thứ 2 nay đã ngoài 40 nhưng cô phải chăm như một đứa trẻ. Bản thân là thương binh 3/4, cuộc sống khó khăn là thế nhưng bằng nghị lực vượt khó vươn lên, cô không những đảm bảo kinh tế cho gia đình mà còn thường xuyên hỗ trợ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn, chia sẻ với đồng chí, đồng đội. Cô đã nhận nuôi bà Nguyễn Thị Phòng ở phường 5, quận Phú Nhuận (là cơ sở nuôi giấu biệt động Sài Gòn) cho đến khi bà Phòng qua đời.
Không dừng lại ở đó, cô Thu còn tổ chức đi thăm các trại thương binh tặng quà từ 250 – 300 ngàn/người, từ năm 2001 – 2008 cô ủng hộ hằng năm 1 suất học bổng cho con cán bộ hưu trí nghèo và Chi hội CCB địa phương có hàng cảnh khó khăn.
Cô Thu bộc bạch: “Cái tâm của tôi là luôn luôn nghĩ đến người nghèo. Họ nghèo mình cũng nghèo nhưng tôi còn có lương, người ta cuộc sống bơ vơ, khó khăn cho nên tôi phải cố gắng giúp đỡ. Năm 2014 tôi bán được nhà, tôi đã tặng tiền cho một chị ở Quảng Nam và một chị ở Phan Rang – Bình Thuận để chị sửa nhà. Với ý chí của một người lính, tôi không cho phép mình gục ngã và tôi đã quyết tâm vươn lên”.

Không riêng cô Thu mà còn rất nhiều thương binh, bệnnh binh khác hiện đang sống tại TPHCM vẫn hàng ngày vượt qua nỗi đau thể xác vươn lên làm giàu cho bản thân và giúp đỡ đồng đội như ông Mai Trung Ty (thương binh 1/4, quận Tân Phú),  ông Nguyễn Phan Tâm (thương binh 3/4, huyện Củ Chi)…  

a2.jpg
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM trao bằng khen cho các cá nhân là là thương binh vượt khó vươn lên 

Đến nay, UB MTTQ VN TPHCM đã tặng 3.567 căn nhà tình nghĩa; cải tạo sửa chữa 1.292 căn nhà cho diện chính sách; hỗ trợ vốn, phương tiện làm ăn, trao tặng các phương tiện sinh hoạt, tủ thờ, xây dựng nhiều công trình dân sinh ở nơi căn cứ kháng chiến; phụng dưỡng đến cuối đời Mẹ VNAH; bảo trợ thường xuyên các thương binh có tỷ lệ thương tật 81% trở lên có hoàn cảnh khó khăn.... Ngoài ra UB MTTQ VN các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp thường xuyên đến hỏi thăm, chăm sóc các Mẹ, các thương binh, bệnh binh; trao học bổng Nguyễn Hữu Thọ cho con em các gia đình chính sách với tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng; TPHCM có 274 Mẹ VNAH đang được phụng dưỡng trên 2 triệu đồng/Mẹ/tháng. Tính đến nay, UB MTTQ VN các cấp của TPHCM đã vận động để thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa với tổng số tiền trên 120 tỷ đồng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn