TPHCM: Xúc động buổi họp mặt người có công tiêu biểu

16:55 | 27/07/2024;
Ngày 27/7, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức họp mặt người có công tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024).

Nhớ lại thời hào hùng

Bà Võ Thị Sê (Tân Thạnh Tây, Củ Chi, TPHCM) là cựu cán bộ ngành công an, với 78 tuổi đời và 55 năm tuổi Đảng. Gia đình bà là gia đình truyền thống cách mạng khi cha và anh trai đều là liệt sĩ, mẹ là Bà mẹ VNAH, bà và người chị kế đều là thương binh. Trong không khí buổi họp mặt, bà rưng rưng xúc động khi được gặp lại đồng đội, cùng "tay bắt mặt mừng" hỏi thăm nhau và nhớ lại thời gian khó.

Bà Sê kể: "Cô tham gia cách mạng ở Củ Chi, TPHCM, năm đó cô mới 22 tuổi. Cô phụ trách Bí thư đoàn, làm trong vùng ấp chiến lược. Một số công việc như đưa truyền đơn, vũ khí; tăng gia sản xuất trồng dưa, trồng bí, làm ruộng; dò thám tin tức của địch để báo cho du kích của ta; chở gạo, tải lương thực đem vô nuôi bộ đội. Giả đò tạo lòng tin của địch để nắm thông tin. Sau này, cô cũng bị địch bắt và đưa vào tù ở Bình Dương. Nó tra tấn tàn ác mà không điều tra được gì nên thả. Sau khi ra tù, cô lại tham gia cách mạng cho đến khi giải phóng. Cô thấy thành phố đến địa phương chăm sóc rất chu đáo. Cô vô cùng xúc động. Cô gặp lại một số anh em đồng đội, ai cũng tuổi cao mà còn được gặp nhau, đến đây họp mặt là rất mừng".

TPHCM: Xúc động buổi họp mặt người có công tiêu biểu- Ảnh 1.

Lãnh đạo TP HCM tặng hoa tri ân các đại biểu là người có công với cách mạng tiêu biểu.

Cùng chung cảm xúc, bà Trần Thanh Hoa (71 tuổi, Trung Lập Hạ, Củ Chi, TPHCM) là cựu tù chính trị cũng xúc động khi gặp lại đồng đội năm xưa. Trong không khí ngày họp mặt, bà run run nhớ lại thời son trẻ khi trải qua nhiều nhà tù với thời gian 3 năm.

"Năm 1968, cô tham gia làm giao liên bên quân báo, sau đó sang ngành công an. Cô tham gia nhiều trận đánh và bị lộ. Tụi địch phát hiện và cô bị bắt. Chúng treo án 10 năm nhưng cô không chịu. Xử lần sau, chúng đưa ra mức án 6 năm, cô ở tù được 3 năm thì giải phóng. Năm bị bắt vô tù cô mới 20 tuổi. Lúc ở nhà tù trong đất liền như Thủ Đức, Tam Hiệp, mẹ cô đến thăm suốt và giấu gửi thư của các anh vào động viên. Sau này, chúng đầy cô ra Côn Đảo. Nhớ lại giai đoạn đó thật sự rất kinh hoàng. Cô bị giam với các chị trong tối, không cho ra ngoài. Mỗi lần chúng chỉ phát cho 3-5 gáo nước, cái gáo làm bằng lon sữa bột ngày xưa. Uống còn không đủ chứ nói gì tắm. Lúc địch bắt cô, chúng đánh vô 2 chân, tra tấn bằng điện nhưng cô không khai, làm cách gì cũng không khai nên làm hồ sơ cho ở tù. Trải qua nhiều lần chết hụt cô mới thấy mình còn sống để trở về là rất may mắn. Những ngày này, cô lại nhớ lại thương những đồng đội đã nằm xuống", bà Hoa kể.

Tri ân người có công

Không chỉ bà Sê, bà Hoa mà buổi họp mặt còn có sự tham gia của 200 đại biểu là Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, tướng lĩnh, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng tiêu biểu trên đại bàn thành phố. Tại đây, các đại biểu cùng nhau ôn lại truyền thống, hỏi thăm, chia sẻ và động viên nhau về cuộc sống hiện tại. Qua từng câu chuyện kể, từng tấm gương giao lưu, thế hệ hôm nay càng cảm thấy biết ơn, nâng cao nhận thức để phát huy, lan tỏa những giá trị tích cực, nối tiếp truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha ông.

TPHCM: Xúc động buổi họp mặt người có công tiêu biểu- Ảnh 2.

Đại biểu giao lưu tại chương trình Họp mặt

Tại buổi họp mặt, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh: Buổi họp mặt không chỉ là dịp để ôn lại truyền thống mà còn là dịp để lắng nghe những ý kiến chia sẻ từ những tấm gương của các thế hệ đi trước. Đây còn là dịp để lãnh đạo TPHCM báo cáo và kiểm điểm trước các đại biểu về kết quả thực hiện chính sách dành cho người có công với cách mạng, thực hiện tốt việc đền ơn đáp nghĩa. Từ đó, TPHCM sẽ nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách này trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, thời gian qua, TPHCM có nhiều nỗ lực và cách làm sáng tạo trong việc thực hiện các chính sách, với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân và cả những người được hưởng chính sách, thể hiện tinh thần đồng chí, đồng đội tương thân tương ái. Những nỗ lực đó của TPHCM đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và các gia đình có công với cách mạng. Đồng thời, góp phần xây dựng TPHCM ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, TPHCM đang quản lý 73.655 đối tượng chính sách. Năm 2024, TPHCM dự trù kinh phí hơn 90 tỷ đồng (tăng gần 21% so với năm trước) để làm tốt công tác chăm lo, và các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn