Năm 2024, tỉnh Trà Vinh công nhận 385 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đại diện đầy đủ các thành phần như chức sắc, chức việc các tôn giáo, người sản xuất giỏi… của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, những người có uy tín trên địa bàn đều có một điểm chung là được cộng đồng tôn vinh, kính phục, bầu chọn và lấy đó là tấm gương để học tập noi theo. Đặc biệt, trong đời sống cộng đồng, người có uy tín có vị trí và vai trò quan trọng không thể thiếu đối với sự phát triển của cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần duy trì và giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào, ổn định trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.
Là người có uy tín trên địa bàn, Thượng tọa Kim Mạnh - trụ trì chùa Kompong Đung, xã Hiếu Tử (huyện Tiểu Cần) cho biết: Trước đây, trong đồng bào dân tộc Khmer, một bộ phận phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, phải gánh vác gia đình, không được học hành nhiều và tham gia nhiều vào các hoạt động xã hội. Nhận thức được điều này, bản thân ông và những người có uy tín khác trên địa bàn đã tập trung tuyên truyền, vận động để người phụ nữ được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, tham gia lao động sản xuất, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Trà Vinh là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có dân số hơn 1 triệu ngườivới 29 thành phần dân tộc, trong đó, dân tộc Kinh có hơn 683.800 người (chiếm tỷ lệ 63,25%); dân tộc Khmer có hơn 318.230 người (chiếm tỷ lệ 31,53%); dân tộc Hoa có hơn 6.630 người (chiếm tỷ lệ 0,65%) và một số dân tộc thiểu số khác.
Đối với trẻ em đồng bào Khmer, theo Thượng tọa Kim Mạnh, vấn đề đặt ra là tình trạng không ít trẻ không biết đọc, không biết viết chữ của dân tộc mình. Do vậy, các chùa trên địa bàn đã mở các lớp dạy ngữ văn Khmer cho trẻ, qua đó góp phần giúp cho văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer không bị mai một. Bên cạnh đó, chùa còn dạy cho trẻ về đạo đức, cách sống và ứng xử trong cuộc sống hằng ngày.
"Với bản thân tôi, việc gì có khả năng làm được là tôi làm. Là người có uy tín nên bản thân càng xây dựng uy tín cá nhân, nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm những việc có ích cho xã hội", Thượng tọa Kim Mạnh cho hay.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, xác định được vị trí, vai trò của mình đối với Đảng, Nhà nước và trách nhiệm đối với cộng đồng dân cư, người có uy tín trên địa bàn không ngần ngại khó khăn, vận động từng người tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước. Bên cạnh đó, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc, tôn giáo.
Người có uy tín luôn tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các phong trào thi đua lao động sản xuất, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nếp sống mới, gương mẫu đi đầu thực hiện các mô hình sản xuất, cải tạo vườn tạp, đất trồng để tăng diện tích cây trồng, hiến đất làm đường giao thông.
Bằng uy tín và kinh nghiệm của bản thân, người có uy tín tham gia hòa giải kịp thời những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở, không để xảy ra điểm nóng, điểm phức tạp; tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục nhiều đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, vận động Nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm. Tại tỉnh Trà Vinh, trong giai đoạn 2011-2023, người có uy tín tham gia hòa giải ở cơ sở được hơn 1.890 cuộc, trong đó có hơn 1.180 cuộc hòa giải thành công, cảm hóa 915 đối tượng hòa nhập với cộng đồng.
Ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: Tỉnh luôn quan tâm, chú trọng thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn, góp phần phát huy vai trò của của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo trong công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng dân cư, tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giư xgìn an ninh, quốc phòng và trật tự xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho rằng, trong thời gian tới, các các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền, vận động, cung cấp kịp thời những thông tin liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người có uy tín, để người có uy tín nắm vững thông tin và tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững; xây dựng ấp, khóm, phum sóc đoàn kết, bình yên và phát triển.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước đối với người có uy tín. Biểu dương kịp thời người có uy tín tiêu biểu có nhiều đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển sản xuất, kinh tế - xã hội, góp phần cùng với chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
Ngoài ra, bản thân những người có uy tín cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc về bản sắc văn hóa, các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn để phục vụ cho công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, từng bước đẩy lùi và loại bỏ những phong tục lạc hậu, nguy hại đang diễn ra trong đời sống cộng đồng dân cư.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn