Trách nhiệm pháp lý vụ học sinh tử vong do rơi từ xe ô tô đưa đón

08:56 | 06/11/2021;
Vụ tai nạn giao thông thương tâm dẫn đến cái chết của học sinh N.G.H. (lớp 6, trường Trường THCS Ama Trang Lơng, Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) khiến nhiều người đặt câu hỏi về vấn đề trách nhiệm.

Xung quanh vấn đề này, PNVN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh.

+ Thưa Luật sư, dưới góc độ pháp luật thì trách nhiệm của tài xế trong vụ tai nạn thương tâm này như thế nào?

Luật sư Trần Minh Hùng: Tôi cho rằng vụ việc trên, cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án để xác minh, điều tra làm rõ. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố bị can để giải quyết theo trình tự pháp luật. Những thông tin ban đầu cho thấy, vụ việc có dấu hiệu của "Tội vô ý làm chết người" được quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tuy nhiên, do tài xế đang điều khiển xe lưu thông trên đường bộ và gây hậu quả làm chết 1 người, vì vậy, hành vi này cũng có dấu hiệu của "Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Do đó, để xác định được đúng tội danh trong vụ việc nêu trên, cơ quan cảnh sát điều tra và các cơ quan có thẩm quyền khác phải điều tra, xác minh, làm rõ các tình tiết trong vụ việc thì mới có thể kết luận được đúng tội danh cũng như là việc xác định hành vi của tài xế cấu thành tội phạm hay không.

Trách nhiệm pháp lý từ vụ học sinh tử vong do rơi từ xe đưa đón? - Ảnh 1.

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh

+ Giữa 2 tội danh này có gì khác nhau về khung hình phạt?

Luật sư Trần Minh Hùng: Theo quy định tại Điều 128 "Tội vô ý làm chết người", người nào vô ý làm chết người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Về hình phạt của "Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" với hậu quả làm chết 01 người thì người có hành vi này có thể bị phạt tiền từ 30.triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

+ Thế còn trách nhiệm dân sự trong vụ tai nạn này sẽ xác định thế nào?

Luật sư Trần Minh Hùng: Về trách nhiệm dân sự, chúng ta cần phải xác định rõ tài xế trong vụ việc có phải là chủ xe hay chỉ là người được thuê lái xe theo hợp đồng để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về tài xế, nhà trường hay chủ xe.

Trong vụ việc đáng tiếc này, bên bị hại có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, các khoản như: thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; chi phí hợp lý cho việc mai táng; bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại; và các thiệt hại khác do luật quy định.

+ Ở đây có trách nhiệm của nhà trường không, thưa Luật sư?

Luật sư Trần Minh Hùng: Theo tôi, trong vụ việc này, chúng ta phải làm rõ tài xế lái xe này có phải là nhân viên của nhà trường hay không. Tài xế này có được ký hợp đồng lao động, được phổ biến nội quy, quy chế làm việc khi được phân công công việc hay không?

Trường hợp giữa Nhà trường và tài xế là quan hệ lao động, các bên có ký kết hợp đồng lao động và ràng buộc nhau bằng một số điều khoản về quyền, nghĩa vụ. Theo quy định tại Điều 597 Bộ luật dân sự năm 2015, pháp nhân có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Tức ở đây, nếu tài xế là nhân viên của nhà trường và được giao nhiệm vụ đưa đón học sinh thì khi thiệt hại xảy ra sẽ do Nhà trường chịu trách nhiệm bồi thường. Sau khi Nhà trường đã bồi thường cho bên bị hại thì Nhà trường có quyền yêu cầu tài xế có lỗi gây tai nạn làm chết người hoàn trả một khoản tiền theo luật định.

Trường hợp nhà trường giao nhiệm vụ đưa đón học sinh cho tài xế lái xe nhưng trong quá trình phân công nhiệm vụ, nhà trường không phổ biến nội quy, quy chế làm việc đối với tài xế, không thực hiện bảo đảm tính mạng tính, sức khỏe cho học sinh thì cũng có thể được xem là hành vi thiếu trách nhiệm của nhà trường khi giao công việc cho người lao động. Nếu Cơ quan điều tra chứng minh được việc thiếu trách nhiệm của Nhà trường là nguyên nhân gián tiếp hoặc trực tiếp dẫn đến tai nạn đáng tiếc nói trên thì nhà trường có thể phải chịu trách nhiệm hình sự liên đới.

+ Xin cảm ơn Luật sư!

Trưa ngày 2/11, ông TVL. (49 tuổi cư trú tại xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) là tài xế điều khiển xe khách biển số 51B 02365 chở 30 em học sinh của trường THCS Ama Trang Lơng đến trường. Trong hành trình di chuyển, tài xế đã bất cẩn quên đóng cửa xe. Khi xe di chuyển ngang qua đoạn đường thuộc thôn Ea Sim, xã Dliê Ya, do tài xế đánh lái mạnh để né 1 chiếc xe ngược chiều khiến 1 học sinh bị văng xuống đường, bị bánh xe này cán qua người tử vong. Nạn nhân trong vụ tai nạn thương tâm trên là cháu N.G.H (11 tuổi, học sinh lớp 6C, Trường THCS Ama Trang Lơng).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn