Ổn định thị trường trong nước
Ngay từ những năm đầu triển khai, người sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP đã gặp không ít khó khăn vì phải thay đổi tập quán sản xuất, từ cách chăm sóc, ghi chép nhật ký sản xuất, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cho phép, chế độ cách ly đúng với quy định an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi thu hoạch, chi phí đăng ký chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và nhiều tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm khác...
Thế nhưng, sau khi thấy được hiệu quả từ sản xuất trái cây sạch, sản phẩm làm ra được thị trường nồng nhiệt đón nhận, hầu hết người sản xuất đồng thuận sản xuất trái cây sạch cho thị trường.
Theo Cục Trồng trọt, sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn khác ngày càng được chú trọng, vì giúp người sản xuất thu được lợi nhuận cao hơn. Những vụ đầu tiên, chỉ vài địa phương sản xuất rải rác tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn sạch, nên có sự tranh chấp giữa sản phẩm trái cây sạch và trái cây canh tác thông thường.
Người tiêu dùng ngày càng thông minh, nên họ sẵn sàng lựa chọn những sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này chính là sự sàng lọc sản phẩm chất lượng tốt, an toàn trong khâu tiêu dùng, giúp cho sản phẩm sạch, tiêu chuẩn VietGAP có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường.
Các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước bắt đầu có hiệu lực, cũng là lúc trái cây Việt "gồng mình ứng phó" với sự hiện diện của trái cây nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo thống kê, mỗi năm, người tiêu dùng Việt Nam tốn hơn 1 tỷ USD để tiêu thụ trái cây nhập khẩu. Ngoài những chủng loại trái cây chỉ có ở nước ngoài, người tiêu dùng Việt cũng đang tiêu thụ trái cây cùng loại với Việt Nam, được nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ... bởi những loại này được dán tem kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến 15/9, Việt Nam đã chi gần 1,2 tỷ USD để nhập khẩu trái cây từ các nước trên thế giới. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt 2,8 tỷ USD năm 2017.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng quản lý vận hành cơ chế một cửa quốc gia và Asean (Tổng cục Hải quan) giải thích, gần chín tháng qua, các thương nhân chủ yếu nhập khẩu trái cây Thái Lan rồi tái xuất sang thị trường Trung Quốc. Như vậy, tỷ lệ nhập khẩu và xuất khẩu trái cây đều tăng, nhìn chung không gây tác động lớn đến việc tiêu thụ trái cây Việt tại thị trường nội địa.
Điều quan trọng giữ vững thị trường nội địa là người sản xuất và doanh nghiệp chế biến trái cây phải làm ra sản phẩm chất lượng cao, gây dựng lòng tin vững chắc, khiến người tiêu dùng nội địa mạnh dạn, tự tin khi lựa chọn trái cây Việt trước kệ trưng bày đa chủng loại trái cây nhập ngoại chất lượng cao.
Nền tảng thúc đẩy xuất khẩu
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trái cây trong nước đồng đều về chất lượng, được quản lý tốt về an toàn vệ sinh thực phẩm, sẽ không phát sinh việc lựa chọn. Các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong thu mua. Hơn nữa, nếu người tiêu dùng trong nước được sử dụng những loại trái cây chất lượng cao, sẽ tạo uy tín lớn đối với thị trường quốc tế.
Chất lượng quyết định sự thành bại của sản phẩm khi đi vào các thị trường "khó tính". Muốn thuyết phục nông dân hợp tác với doanh nghiệp, sản xuất theo quy chuẩn khắt khe thì nông dân phải có niềm tin với doanh nghiệp. Niềm tin đó là uy tín trong thanh toán, mua hàng ổn định, luôn có lợi nhuận tốt so với trồng thông thường và bán cho thương lái.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty T&T Vina, khẳng định mỗi năm, Vina T&T xuất khẩu gần 1.000 container các loại trái cây đạt chuẩn GlobalGAP như thanh long, nhãn, chôm chôm... Để có được chất lượng này, doanh nghiệp phải có hướng sản xuất quy mô thương mại, liên kết với nông dân trên diện tích ít nhất là 100ha. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có đủ nguồn lực tài chính mới làm nổi.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế chia sẻ, trong một chuỗi liên kết, doanh nghiệp không chỉ là đơn vị mua đi bán lại. Đây là cầu nối để gieo “thương hiệu” chất lượng đến các thị trường. Với những sản phẩm chất lượng cao, được tiêu thụ mạnh mẽ ở thị trường trong nước, sẽ là nền tảng uy tín khi sản phẩm được xuất khẩu.
Ngành sản xuất, chế biến trái cây hiện cũng không nằm ngoài quy luật này. Các nhà máy chế biến rất cần nguồn nguyên liệu sạch. Ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Lavifood, cho biết ngoài cung ứng thị trường nội địa, sản phẩm trái cây chế biến của Lavifood sẽ được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc... Do đó, các địa phương sản xuất nguồn nguyên liệu trái cây sạch là “viên gạch nền” cho sản phẩm chế biến sạch. Mỗi doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trái cây đều cần vùng nguyên liệu lớn. Ước tính, Lavifood đang cần vùng nguyên liệu trái cây sạch khoảng 100ha để phục vụ cho công suất của nhà máy.
Ngành trái cây muốn đáp ứng các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản..., thì bản thân thị trường nội địa phải là một thị trường khó tính để kiểm chứng chất lượng sản phẩm.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, chia sẻ để vào được các thị trường khó tính và cung cấp sản phẩm chất lượng cho thị trường nội địa, Việt Nam phải giải quyết các vấn đề gồm kiểm dịch, an toàn (không được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) trái cây.
Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp được gần 6.000 mã số vùng trồng đối với thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải, và đang phối hợp với các địa phương cấp thêm mã số cho những vùng nguyên liệu trái cây phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng bảy nhà máy chế biến với quy mô vùng và khu vực.