Trái Đất nóng lên, băng Nam Cực đang tan nhanh hơn

16:30 | 18/12/2016;
Mảng băng khổng lồ ở phía Đông của Nam Cực có thể phải chịu tác động nhiều hơn bởi hiện tượng Trái Đất nóng lên so với những gì chúng ta vẫn tưởng. Đây là kết quả nghiên cứu vừa được một nhóm nhà khoa học châu Âu công bố.
pole.jpg
(Nguồn: Htekidsnews.com) 
Từ trước đến nay, các nhà khoa học mới tập trung nghiên cứu mảng băng ở phía Tây của Nam Cực, nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây tan chảy nhiều diện tích lớn của mảng băng tại đây.

Trong khi đó, mảng băng khổng lồ ở phía Đông Nam Cực vẫn được xem là ổn định hơn vì đây là khu vực có nhiệt độ thấp hơn và độ cao lớn hơn. Mảng băng ở Đông Nam Cực thậm chí còn được cho là tiếp tục mở rộng nhờ có thềm băng vững chắc nối giữa đại dương và thềm đá ngăn không cho mảng băng trên bề mặt tan trượt ra biển.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới nhất cũng cho thấy mảng băng ở phía Đông của Nam Cực bị ảnh hưởng bởi hiện tượng Trái Đất nóng lên.

Bằng cách kết hợp dữ liệu vệ tinh và đo đạc trên thực địa, các nhà khoa học Hà Lan, Bỉ và Đức đã phát hiện ra rằng miệng hố trên thềm băng Vua Baudoin ở Đông Nam Cực không phải là dấu vết va chạm với thiên thạch như các nghiên cứu trước kia chỉ ra. Các nhà khoa học chỉ ra rằng nguyên nhân là do hiện tượng băng trên bề mặt bị xói mòn bởi gió mạnh mang hơi nóng, khiến cho ánh nắng Mặt Trời bị hấp thụ thẳng vào sâu trong thềm băng thay vì bị phản xạ ngược vào không trung.

Trong khi đó, qua các thập thập kỷ gần đây đại dương đã hấp thụ phần lớn nhiệt lượng tỏa ra bởi hiện tượng Trái Đất nóng lên. Việc nhiệt độ tăng lên ở cả trên và dưới bề mặt băng tạo thành các vết nứt trong kết cấu vững chắc của các thềm băng và khiến các mảng băng phía trên càng dễ bị tổn thương, ngay cả đối với khu vực phía Đông của Nam Cực.

Lượng băng của Nam Cực nếu tan chảy hết có thể làm mực nước biển dâng lên hàng chục mét và làm cho bản đồ các lục địa trên Trái Đất sẽ phải được vẽ lại.

Báo cáo vừa công bố của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng những quốc gia nhỏ nhất sẽ lại phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng cao.

IMF đã khảo sát 34 nước đang phát triển có dân số dưới 1,5 triệu người tại châu Phi, châu Á-Thái Bình Dương, khu vực Caribe và nhận thấy khoảng 10% trong số này phải gánh chịu các hiện tượng thiên tai cực đoan có sức tàn phá trên 30% tổng sản lượng kinh tế.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn