Giảm cân khắc nghiệt
Sự giàu có ngày càng tăng của Trung Quốc cũng dẫn đến tình trạng trẻ em béo phì gia tăng. Vì vậy, thay vì được nghỉ ngơi vào mùa hè, vào dịp này, nhiều em được gia đình đăng ký tham gia trại hè huấn luyện giảm cân, với chế độ tập luyện, dinh dưỡng khắc nghiệt hơn quân đội.
Ghi nhận của phóng viên tờ South Chine Morning Post (SCMP) vào kỳ nghỉ hè năm 2017 cho thấy, trong một phòng tập thể dục lớn ở ngoại ô TP Hàng Châu, tỉnh Giang Tô, 36 trẻ em và thiếu niên mập mạp chăm chú lắng nghe hướng dẫn của huấn luyện viên về các bài tập thể dục nhằm giảm cân.
Trong suốt một giờ, các em cúi người nâng các tấm kim loại nặng, nằm trên đệm nâng tạ lên xuống hoặc dùng tay giữ lấy một chân giơ lên. Âm nhạc lan tỏa khắp phòng nhằm kích thích người tập luyện thực hiện những động tác khó nhọc. Các huấn luyện viên nói lớn trên micro, khuyến khích tinh thần vận động của học viên giữa thời tiết nóng nực.
Hou Ankun, chàng trai 16 tuổi đến từ TP Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô, là người lớn nhất và béo nhất trong nhóm học viên tham gia chương trình huấn luyện giảm cân. Với chiều cao 1,79m, Ankun nặng 105kg, quá béo so với người thường.
Tuy nhiên, số cân này đã cho thấy sự tiến bộ đáng kể so với cân nặng 120kg của cậu khi bắt đầu tham gia trại huấn luyện 3 tuần trước. “Thân hình to béo thực sự là một gánh nặng lớn đối với em. Em thấy mệt mỏi khi phải thực hiện bất kỳ động tác nhỏ nào, dù chỉ là di chuyển vài bước”, Ankun chia sẻ.
Tại những trại hè này, người tham gia tập thể dục 4 giờ một ngày, 2 giờ trong mỗi buổi sáng và chiều. Ngoài 3 bữa ăn, họ còn ăn trái cây vào buổi chiều. Các học viên không được ăn thức ăn nào khác ngoài thực phẩm của trại và được sử dụng điện thoại di động 1 giờ/ngày. Mục tiêu của người tham gia là giảm 2% trọng lượng mỗi tuần.
Huấn luyện viên Yu Yinghan cho biết, những người không thể đáp ứng được mục tiêu này sẽ được đề nghị tham gia huấn luyện thêm vào buổi tối.
Nỗi lo cho thế hệ tương lai của đất nước
Tình trạng trẻ béo phì tăng nhanh ở Trung Quốc xuất hiện khoảng 3 thập niên gần đây. Trước đó, rất hiếm thấy hình ảnh những đứa bé “ục ịch” xuất hiện trên đường phố. Tuy vậy, hiện không khó để bắt gặp hình ảnh này ở bất cứ đâu như nhà ga, trường học, hàng ăn...
Các chuyên gia ước tính, cứ 4 trẻ em trên 7 tuổi ở quốc gia này thì có 1 trẻ sẽ bị béo phì trong vòng 10 năm. Đây là hệ quả của sự bùng nổ kinh tế của đất nước và sự cải thiện đáng kể trong điều kiện sống của người dân.
Theo một nghiên cứu năm 2015 của Đại học Washington (Mỹ), Trung Quốc có 15 triệu trẻ em béo phì, cao nhất trong các nước được khảo sát, theo sau là Ấn Độ với 14 triệu trẻ. Trong tháng 6, Báo cáo về bệnh béo phì ở trẻ em do Trung tâm Y tế Công cộng của Đại học Bắc Kinh thực hiện đã chỉ ra 28% trẻ vị thành niên trong độ tuổi từ 7 đến 18 sẽ thừa cân và béo phì vào năm 2030 nếu không có biện pháp can thiệp nào khác.
Giám đốc Viện Sức khỏe nhi đồng và Trẻ vị thành niên tại Đại học Bắc Kinh-ông Ma Jun, cho biết, số trẻ béo phì tăng nhanh trong 2 thập kỷ qua chủ yếu là do chế độ ăn uống không lành mạnh và thiếu các hoạt động thể thao cần thiết.
“Trẻ em ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều chất béo và đường. Những thực phẩm giàu calo này cần phải được đốt cháy thông qua các hoạt động thể chất. Tuy nhiên, lối sống của trẻ em hiện nay chủ yếu là các hoạt động ngồi một chỗ như chơi điện tử hay làm bài tập ở nhà. Điều này đã tăng lên trong những năm gần đây”, ông cho biết.
Một trong những lý do khiến trẻ béo phì tăng nhanh là từ chính các phụ huynh. Với trường hợp của cậu bé Ankun, chính bố mẹ em đã chia sẻ họ chủ quan trong chế độ dinh dưỡng của con, bởi luôn nghĩ rằng một đứa trẻ mập mạp là dễ thương và sẽ hưởng cuộc sống hạnh phúc.
Ankun kể, cho đến khi nhận thấy cậu quá mập cách đây 4 năm, bố mẹ mới bắt đầu phát hoảng và kiểm soát chế độ ăn, tuy nhiên nỗ lực giảm cân là điều vô cùng khó khăn của cả gia đình. Đó là lý do khiến cậu có mặt ở trại huấn luyện giảm cân vào mùa hè năm ngoái.