Mỗi ngày có biết bao người chết đi, nhưng chẳng phải ai cũng được vĩnh biệt thế giới khi đang ở bên cạnh người thân, gia đình. Không ít người trải qua đau đớn khi tự tử, bị người khác sát hại và phải lìa xa cõi đời trong bộ dạng nhuốm máu, tổn thương, để lại hiện trường đầy thảm khốc.
Thông thường, nếu là vụ án mạng nghiêm trọng, cảnh sát và nhóm điều tra sẽ đảm nhiệm khám nghiệm tử thi, đưa thi thể về cơ quan chức năng để xác định một vài thông tin quan trọng. Sau đó, gia quyến của người bị hại sẽ thu dọn hiện trường và đưa thi thể nạn nhân xấu số về nhà an táng. Tuy nhiên, việc đó không hề dễ dàng gì, thậm chí là gây ám ảnh lớn về mặt tinh thần. Chắc chắn chẳng thể kìm lòng khi thu dọn, làm sạch lại nơi mà người thân yêu của mình đau đớn nằm xuống.
Hiểu được những nhọc nhằn này, vào năm 1990 ở Mỹ, một đội đã tập hợp lại với nhau để mở dịch vụ dọn dẹp hiện trường vụ án. Dần dần, dịch vụ kể trên lan toả ra các nước trên thế giới và trở thành một công việc nuôi sống nhiều người.
Tại Hoa Kỳ, dọn dẹp hiện trường vụ án được xem như ngành công nghiệp khá đắt đỏ với giá trị rơi vào khoảng 350 triệu USD với gần 500 công ty lớn nhỏ. Ấy vậy nhưng vẫn chưa nhiều người hiểu rõ hết về công việc này cũng như những góc khuất, tâm sự từ phía nhân viên. Mới đây, trên MXH Tik Tok xuất hiện một loạt clip ghi lại cận cảnh quá trình làm việc thực tế của nghề dọn dẹp hiện trường vụ án. Loạt video này thu hút hàng triệu lượt xem và nhận về đông đảo sự tò mò của cư dân mạng.
Clip thực tế của công việc dọn dẹp hiện trường vụ án. (Nguồn: Tik Tok)
Có thể thấy, nhân viên dọn dẹp hiện trường sẽ phải khoác lên mình bộ trang phục bảo vệ cơ thể không khác gì với y bác sĩ nơi tiền tuyến chống Covid-19. Từ đầu đến chân đều được bảo vệ nghiêm ngặt để tránh khỏi các chất độc hại từ vụ án, máu, tàn tích... Cùng với đó, họ còn được trang bị thêm một loạt dụng cụ làm sạch như cồn rửa, chổi lau, thậm chí là xà beng nhằm phá huỷ những phần dính độc tố. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả nỗi vất vả của công việc này đem lại.
Thứ nhất, sức khoẻ của nhân viên dọn dẹp hiện trường có thể bị ảnh hưởng nặng nề nếu không cẩn thận. Với kiểu nạn nhân tự sát hoặc vô tình gặp tai nạn, mọi chuyện sẽ không có gì đáng bàn cãi. Tuy nhiên, nếu nạn nhân bị ám sát dã man bằng độc tố, rất có thể hiện trường vụ án vẫn còn sót lại những chất gây chết người. Chẳng may nhân viên vô tình chạm vào và đưa lên ngửi, tiếp xúc với bề mặt da... thì cũng có thể gặp nguy hiểm. Đồng thời, dọn dẹp hiện trường còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm như viêm gan, vi khuẩn...
Tiếp đến là khả năng ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần. Mặc dù nhân viên dọn dẹp hiện trường đã được đào tạo để quen với máu, xác chết song họ cũng vẫn là những con người có cảm xúc. Hiện trường thảm khốc chắc hẳn khiến chúng ta khó lòng kiềm chế, để rồi phải bật khóc hoặc hoảng sợ. Nhiều nhân viên chia sẻ họ đã gặp cả tá cảnh tượng kinh hoàng đến ngã quỵ, thậm chí còn hay mê sảng, ngủ mơ đến hình ảnh xác chết. Đó cũng chính là lý do vì sao tốc độ đào thải của ngành nghề này lớn. Muốn trụ lâu trước hết phải trau dồi một tinh thần thép. Theo trang Mental Floss, tuổi nghề trung bình của công việc này chỉ rơi vào khoảng 5-10 năm mà thôi.
Mặc dù nguy hiểm chông gai là vậy nhưng mức thù lao của nhân viên dọn dẹp hiện trường không hề bèo bọt. Tuỳ thuộc vào mức độ nguy hiểm, diện tích dọn dẹp và tính chất vụ án mà mỗi ca dọn dẹp có giá từ 1.000 USD đến 10.000 USD. Trung bình mỗi nhân viên sẽ nhận được khoảng 100 USD (2,3 triệu đồng) cho mỗi giờ làm việc. Theo thống kê của Cục lao động Hoa Kỳ, một nhân viên dọn dẹp hiện trường mỗi năm có thể thu về 75.000 USD (1,7 tỷ đồng).
Sau cùng, quả thực chẳng thể phủ nhận dọn dẹp hiện trường vụ án là một công việc mang đầy tính nhân văn. Nó không chỉ giúp người nhà nạn nhân an lòng hơn và tránh xa khỏi đau đớn mà còn bảo vệ con người trước những nguy hiểm của hiện trường thảm khốc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn