Trải lòng về chuyện nuôi con của mẹ Việt ở Hàn Quốc khiến nhiều người xúc động

10:41 | 26/05/2022;
Cuộc sống bỉm sữa ở Hàn Quốc của chị Nhung dẫu có thử thách, khó khăn nhưng luôn ngập tràn hạnh phúc.

Hành trình nuôi dạy con đầy khó khăn, vất vả, và sẽ mệt gấp 5, gấp 6 đối với những người mẹ Việt ở nước ngoài. Việc chăm sóc một em bé ở môi trường xa lạ, không có sự trợ giúp từ người thân là một thách thức nhưng cũng là trải nghiệm quý báu đối với những người mẹ xa quê. Cùng lắng nghe những tâm sự của chị Hồng Nhung (28 tuổi, hiện đang sinh sống tại Seoul, Hàn Quốc) về hành trình làm mẹ của em bé 22 tháng tuổi nhé.

Cuộc sống ở Hàn có gì vui?

Chị Nhung hiện sống tại Hàn được 4 năm và đã kết hôn được hơn 2 năm. Theo bà mẹ trẻ, Hàn Quốc là quốc gia ở châu Á và cũng chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo như Việt Nam nên ngoài một số điểm khác biệt thì cũng có nét tương đồng về văn hóa và xã hội hơn các nước phương Tây.

Ví dụ như vấn đề tôn trọng người lớn tuổi hơn, thậm chí đôi lúc chuyện phân chia cấp bậc trên – dưới ở trường học, công ty còn rõ ràng hơn ở Việt Nam nên đối với người nước ngoài lúc mới sinh sống ở Hàn Quốc sẽ cảm thấy hơi áp lực vì không biết xưng hô như thế nào với người lạ để không bất lịch sự. Hay chuyện nội trợ và chăm sóc con cái thì thường người phụ nữ sẽ chịu trách nhiệm nhiều hơn hẳn so với nam giới (nói chung).

Mẹ Việt ở Hàn trải lòng về hành trình làm mẹ: Luôn cố gắng 200% công lực, không đặt áp lực cho bản thân và luôn lạc quan để chăm sóc tốt thiên thần nhỏ - Ảnh 1.

Tổ ấm nhỏ của chị Nhung.

Về điểm khác biệt giữa cuộc sống ở Hàn Quốc và Việt Nam thì cũng có khá nhiều. Ở Hàn Quốc đường phố khá là sạch sẽ, các dịch vụ tiện ích công cộng cũng phổ biến và dễ tiếp cận hơn. Đổi lại thì mức thuế khá cao. Ngoài ra thì ở Hàn Quốc có rất nhiều camera an ninh nên việc mất đồ là rất hiếm, và khi đi đường buổi tối cũng sẽ cảm thấy an toàn hơn.

Thực phẩm ở Hàn Quốc so với Việt Nam về giá cả thì khá đắt đỏ, nhưng khá an toàn về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc mua sắm ở Hàn Quốc cũng rất tiện lợi, nhất là với gia đình con nhỏ, không có nhiều thời gian đi mua sắm cũng như lo sợ tình hình dịch bệnh thì chỉ cần tải app của siêu thị hay app mua sắm rồi thanh toán hôm trước là hôm sau có thể nhận hàng giao trước cửa luôn rồi.

Mẹ Việt ở Hàn trải lòng về hành trình làm mẹ: Luôn cố gắng 200% công lực, không đặt áp lực cho bản thân và luôn lạc quan để chăm sóc tốt thiên thần nhỏ - Ảnh 2.

Chị Nhung và con trai đầu lòng.

''Tuy nhiên, đối với mình thì Hàn Quốc không phải luôn luôn có màu hồng như nhiều người nghĩ. Không chỉ mình mà nhiều người Hàn đều thấy rằng so với người Việt Nam thì người Hàn Quốc hiếm khi cười với người lạ, hay nói cách khác là người Việt Nam thân thiện và dễ mến hơn. Trong xã hội Hàn Quốc hiện đại, đa số mọi người sống theo chủ nghĩa cá nhân, nhất là giới trẻ hiện nay. Mình nghĩ có nhiều lý do để giải thích cho điểm này, nhưng tựu chung lại là khi lần đầu tới Hàn Quốc mình cũng đã bị shock văn hóa một vài lần'', bà mẹ trẻ trải lòng.

Vợ quyết định chính trong việc chăm và dạy con

Bé nhà chị Nhung mới được 22 tháng nên còn quá sớm để đánh giá năng lực ngôn ngữ. Nhưng vợ chồng chị Nhung hiện nay đang cố gắng dạy con cả 2 ngôn ngữ Hàn – Việt: ''Mình chủ yếu nói chuyện với con bằng tiếng Việt, còn bố của bé sẽ nói chuyện bằng tiếng Hàn. Từ tiếng Việt bé nói đầu tiên là ''ái chà'' và ''ôi trời ơi'', đến mức nửa đêm đang ngủ cũng nói mơ – ''Ái chà, ôi trời ơi''.

Về rào cản trong việc dạy con thì gia đình chị Nhung không sống cùng bố mẹ chồng nên bà mẹ trẻ sẽ là người quyết định chính việc chăm sóc và dạy dỗ bé. Và may mắn là chồng chị Nhung cũng hoàn toàn ủng hộ quyết định này nên không gặp khó khăn gì cả.

Khoảnh khắc đáng yêu của em bé.

Từ khi mang bầu bé đầu cũng đúng lúc dịch bùng phát mạnh ở Hàn Quốc (đầu năm 2020) nên đến nay gia đình chị Nhung vẫn chưa được về Việt Nam lần nào và những người thân ở Việt Nam cũng không qua thăm được vì phía Việt Nam hạn chế xuất nhập cảnh. Do đó, bà mẹ trẻ vẫn thường gọi điện video call về cho gia đình để mọi người nói chuyện với con trai.

Một mình chăm con ở nước ngoài không đơn giản

Mấy năm gần đây, mức ô nhiễm không khí ở Seoul do bụi mịn khá cao nên gia đình chị Nhung đang có dự định đến Đà Nẵng sống một thời gian sau khi dịch Covid kết thúc. Nếu môi trường và xã hội tốt thì có thể ở lại Việt Nam lâu dài. ''Điều đáng nói là người đưa ra quyết định này là chồng mình vì nếu cho mình chọn có lẽ mình sẽ chọn Seoul hoặc Hà Nội - nơi mình sinh ra, nhưng tiếc là cả 2 thành phố này đều có vấn đề về bụi mịn nên gia đình đã quyết định đến Đà Nẵng - một thành phố xanh có biển có núi để ''sống thử'', bà mẹ trẻ nói về dự định trong tương lai.

Ở nước ngoài một mình, việc chăm con chắc chắn không hề đơn giản, tuy nhiên chị Nhung cho biết nếu cố gắng mọi thứ vẫn sẽ ổn. ''Tuy không có trợ giúp từ bố mẹ hai bên nhưng mình được chồng giúp đỡ rất nhiều từ khi mang bầu tới bây giờ là khi em bé được gần 2 tuổi. Tuy nhiên, việc chăm bé vốn là việc không dễ dàng gì, nhất là đối với những người lần đầu làm bố mẹ (bên Hàn có từ chuyên để gọi những người lần đầu làm mẹ là ''초보맘'' là đủ hiểu bỡ ngỡ như thế nào rồi).

Mẹ Việt ở Hàn trải lòng về hành trình làm mẹ: Luôn cố gắng 200% công lực, không đặt áp lực cho bản thân và luôn lạc quan để chăm sóc tốt thiên thần nhỏ - Ảnh 4.

Có con là niềm hạnh phúc nhất trên đời.

Vì bé nhà mình khá quấn mẹ nên dù có bố ở nhà cũng nhất định đòi mẹ bế và chơi cùng, nên đôi lúc cũng thực sự stress vì không thể 1 tay làm việc nhà, 1 tay trông con. Những lúc như vậy thì chồng mình là người phải chịu cơn thịnh nộ của vợ vì giành trông con để không phải làm việc nhà mà lại làm không xong. Những lúc stress như vậy thì thường mình sẽ xem lại các clip của con, nghĩ đến khoảnh khắc đáng yêu của con.

Gia đình mình cũng đang lưu giữ các khoảnh khắc đáng yêu cũng như những lúc con quấy khóc để sau này khi con lớn sẽ cho bé xem lại nữa. Ví dụ như trong lúc bé rửa tay trong bát nước canh mà mẹ chưa kịp ăn, nhưng thay vì nổi nóng thì mình đã chọn cách nghĩ tích cực và quay lại như 1 kỉ niệm vui. Hoặc có lúc stress vì con không thích ở nhà thì cả nhà thay đồ rồi đi ra ngoài chơi để thay đổi không khí, rồi cũng có lúc bực chồng quá thì lấy thẻ ngân hàng của chồng để shopping cho giải tỏa căng thẳng nữa...'', bà mẹ 1 con chia sẻ.

Ở nhà trông con có gì vui

"Omma" không phải là người Hàn Quốc hả?

Đó là câu hỏi mà chị Nhung nghĩ rằng có lẽ khi lớn lên, đi học mẫu giáo hay trường tiểu học, con trai sẽ hỏi mình như vậy. Nếu một ngày, con hỏi rằng "Omma" (mẹ) không phải là người Hàn Quốc hả?, bà mẹ trẻ cho biết sẽ trả lời con rằng: ''Ừ, vì mẹ là người Việt Nam, và con cũng vậy. Tuy nhiên, con đặc biệt hơn một chút là con có 2 quê hương - Hàn Quốc và Việt Nam. So với bố, mẹ hay các bạn khác thì rất thú vị phải không? Con có thể nói 2 ngôn ngữ, có 2 quê hương cơ mà''.

Chia sẻ thêm về cuộc sống làm mẹ ở nước ngoài, chị Nhung tâm sự: ''Đến bây giờ mình vẫn nghĩ mình chưa chuẩn bị tốt để làm mẹ nên nhiều lúc dù biết nên làm gì để nuôi dạy con nhưng khi thực hành thì lại khá lóng ngóng hoặc kết quả thực tế khác với mong đợi. Do đó, việc đưa ra lời khuyên cho các bà mẹ bỉm sữa khác cũng thật khó vì mỗi bé một tính cách khác nhau, hoàn cảnh gia đình cũng không ai giống ai nữa.

Nhưng mình nghĩ bà mẹ nào cũng luôn yêu thương và muốn đem lại điều tốt nhất cho con mình đúng không? Vậy nên hãy tự chuẩn bị kiến thức chăm con khoa học thông qua sách vở, các kênh chính thống vì mình thấy khá nhiều mẹ bỉm sữa thiếu kĩ năng chăm bé, rồi khi con ốm lại lên mạng hỏi, nghe mọi người chữa mẹo thay vì đưa con khám.

Cậu bé 22 tháng tuổi siêu hài hước và đáng yêu.

Ngoài ra, nên suy nghĩ tích cực - việc nuôi con là trách nhiệm của bố mẹ, nếu ông bà giúp thì tốt, còn không thì cũng không nên buồn phiền. Mình thấy ở Seoul (vì không biết các nơi khác như thế nào), đa số các mẹ Hàn nuôi con mà không nhận sự giúp đỡ nhiều từ mẹ chồng hay mẹ đẻ, trong khi ở Việt Nam thì nhiều người vẫn quan niệm rằng ông bà nên giúp trông cháu, hoặc việc ông bà can thiệp vào quá trình chăm con là đúng. Những quan niệm này cũng ít nhiều gây áp lực cho các bà mẹ bỉm sữa.

Hơn nữa, dù ở nước nào thì cũng nên biết về ngôn ngữ và văn hóa của nơi đó, ví dụ ở Hàn thì nên biết sử dụng tiếng Hàn và am hiểu văn hóa, xã hội một cách tương đối. Nếu khả năng giao tiếp còn hạn chế thì khi đi khám thai rồi sinh bé sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp với bác sỹ, y tá vì không phải người Hàn nào cũng giỏi tiếng Anh hay có thông dịch. Sau này, cũng sẽ gặp khó khăn khi trao đổi với chồng về cách nuôi dạy con nếu cả 2 không có ngôn ngữ trao đổi chung dù là tiếng Anh, Hàn, hay Việt. Sau này bé đi học cũng cần trao đổi với cô giáo nữa,...

Mẹ Việt ở Hàn trải lòng về hành trình làm mẹ: Luôn cố gắng 200% công lực, không đặt áp lực cho bản thân và luôn lạc quan để chăm sóc tốt thiên thần nhỏ - Ảnh 7.

Con trai chị Nhung cưng xỉu trong trang phục truyền thống của Hàn Quốc.

Mẹ Việt ở Hàn trải lòng về hành trình làm mẹ: Luôn cố gắng 200% công lực, không đặt áp lực cho bản thân và luôn lạc quan để chăm sóc tốt thiên thần nhỏ - Ảnh 8.

Động lực phấn đấu của bà mẹ trẻ và ông xã.

Việc tra cứu thông tin cần thiết như chính sách trợ cấp của chính phủ khi sinh bé, lịch tiêm chủng của bé, cách đăng ký nhà trẻ/ trường học cho con... đôi khi cũng gặp bất lợi. Cuối cùng là mong các bà mẹ bỉm sữa có ''một tinh thần thép và một thể lực cường tráng'' để chăm sóc và yêu thương các thiên thần nhỏ ''tinh quái'', chị Nhung trải lòng về những trải nghiệm đã có với cuộc sống ở Hàn Quốc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn