Trải nghiệm làm đồ chơi truyền thống, quay về với Tết trung thu xưa

11:43 | 24/09/2020;
Bạn muốn cho các bé quay trở về Tết trung thu xưa thật trọn vẹn và ý nghĩa qua những món đồ chơi truyền thống tự làm? Những workshop làm mặt nạ giấy bồi, đèn cù, tò he… sẽ mang đến cho bé nhiều kỷ niệm đẹp trong dịp Tết trung thu.

Trung thu đang đến gần. Đây cũng là dịp nhiều workshop trải nghiệm làm đồ chơi truyền thống được tổ chức, để các em bé thời hiện đại có dịp hiểu thêm về những món đồ chơi truyền thống các thế hệ trước thường chơi trong dịp trung thu.

Chị Nguyễn Kim Thu (giáo viên, Q. Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: Những món đồ chơi trung thu truyền thống được làm từ giấy bồi, gỗ, đất sét, bột… thân thiện với môi trường và mới lạ vẫn có sức hút riêng đối với những cô, cậu bé vốn quen với smartphone, đồ chơi thông minh thời nay.

Tại các lớp học kỹ năng, bảo tàng, triển lãm… dịp này có nhiều workshop hướng dẫn làm đồ chơi trung thu để bé và gia đình lựa chọn.

Workshop làm đèn lồng, đèn cù bằng gỗ

Các bé sẽ được vào xưởng, tay cưa cắt, tự tay đóng đinh và lắp đặt thiết bị cảm ứng để tạo thành một chiếc lồng đèn truyền thống thông minh, có thể tự sáng khi trời tối, tự tắt đèn khi trời sáng, tự bật đèn khi chạm tay… Đặc biệt, không chỉ được trải nghiệm, tự làm đèn lồng mà còn là dịp khám phá khoa học, tìm hiểu nguyên lý hoạt động của bóng đèn cảm ứng.

Trải nghệm làm đồ chơi truyền thống, quay về với Tết trung thu xưa - Ảnh 1.

Các bé được tự tay làm các công đoạn để hoàn thành một chiếc lồng đèn truyền thống thông minh. Ảnh: Xưởng sáng tạo Creative Gara

Workshop diễn ra vào ngày 26 - 27/9 tại Xưởng sáng tạo Creative Gara, Complex 1, Số 29 ngách 31 ngõ 167 Tây Sơn. Chi phí: 200.000 đồng/người.

Tôn vinh nghệ nhân làm đồ chơi trung thu

Đây là chủ đề chương trình "Trung thu 2020: Người giữ lửa Trung Thu" diễn ra ngày 26, 27/9 tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam.

Các bạn nhỏ có dịp giao lưu, gặp gỡ các nghệ nhân đến từ những làng nghề làm đồ chơi dân gian truyền thống, được tham quan được khám phá Tết Trung thu và văn hóa Việt Nam thông qua các hoạt động như: trải nghiệm múa lân sư, giã cốm, làm bánh dẻo, nghe kể chuyện tranh về Tết Trung Thu. Đặc biệt, các bạn nhỏ được nghệ nhân dân gian có kinh nghiệm lâu năm hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống như: đèn ông sao, ông sư, đèn kéo quân, ông tiến sĩ giấy, mặt nạ giấy bồi...

Trải nghệm làm đồ chơi truyền thống, quay về với Tết trung thu xưa - Ảnh 2.

Các nghệ nhân hướng dẫn làm đồ chơi dân gian truyền thống. Ảnh: Bảo tàng dân tộc học Việt Nam

Cũng trong thời gian này, tại Hoàng thành Thăng Long có các hoạt động: trải nghiệm làm bánh Trung thu, làm một số đồ chơi truyền thống (đèn lồng giấy, đèn ông sao, đèn ông sư, đèn con thỏ, tô vẽ mặt nạ giấy bồi), tham gia các trò chơi dân gian (bộ quái thú siêu to siêu đáng yêu, xích đu, cầu trượt), tham quan các gian hàng truyền thống.

Từ 28/9 đến 1/10 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam diễn ra Lễ hội Trung Thu 2020 với nhiều hoạt động đặc sắc như: lễ hội rước đèn, múa lân sư tử, biểu diễn và thi đấu trò chơi dân gian, viết thư pháp, vẽ tranh Đông Hồ. Bên cạnh đó, người lớn cũng được trở về thế giới tuổi thơ cùng mặt nạ giấy bồi, đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn con thỏ, nặn tò he…

Khám phá nghệ thuật làm mặt nạ giấy bồi, đồ chơi phỗng đất

Mặt nạ giấy bồi, đồ chơi phỗng đất là những món đồ chơi truyền thống đang bị thất truyền. Trung thu này là dịp để các em nhỏ và cả người lớn cùng tìm hiểu, khám phá, sáng tạo với những món đồ chơi này.

Để làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ. Đầu tiên phải lót một lớp giấy bìa vào khuôn xi măng đúc sẵn các khuôn mặt rồi bắt đầu dán. Khoảng 3 - 4 lớp giấy bồi chồng lên nhau sẽ tạo thành hình một chiếc mặt nạ giấy bồi.

Mỗi lớp giấy được kết dính với nhau bằng một loại hồ đun chín từ bột sắn. Những chiếc mặt nạ sau khi dán xong sẽ được phơi khô. Mặt nạ phải phơi khô tự nhiên mới giữ được hình dáng ban đầu. Cuối cùng, các bạn nhỏ tô màu để hoàn thiện chiếc mặt nạ.

Trải nghệm làm đồ chơi truyền thống, quay về với Tết trung thu xưa - Ảnh 3.

Phỗng đất là món đồ chơi dân gian của trẻ xứ Kinh Bắc thời xưa. Ảnh: Tiệm mặt nạ giấy bồi

Trong mâm cỗ Trung thu xưa, ngoài mâm ngũ quả, bánh nướng, bánh dẻo, đèn ông sao, ông tiến sĩ giấy và nhất định phải có một bộ phỗng đất. Bộ phỗng đất dân gian được làm kỳ công từ đất thó và giấy bản.

Đất thó được đào ở độ sâu từ 2-3m, đem phơi khô, đập, giã thành bột mịn rồi sàng, đến khi sờ vào có độ mịn mát tay. Giấy bản ngâm trong nước 7 ngày, sau khi đã mủn hoàn toàn thì trộn đất và giấy với nhau, vừa trộn tay, vừa dùng chày đập cho đến khi hỗn hợp này quyện lại rồi mang ra nặn, nặn xong phơi ra ngoài ánh nắng mặt trời cho đến khi khô hoàn toàn.

Địa chỉ để tìm hiểu thông tin sản phẩm: Tiệm mặt nạ giấy bồi, ĐT: 0373839088.

Dù dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, nên nhiều đơn vị đã lên kế hoạch tổ chức các chương trình vui Tết Trung thu dành cho thiếu nhi. Tuy nhiên, bạn vẫn cần tuân thủ các quy định phòng dịch để đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng.

Những điều cần lưu ý để bảo đảm an toàn phòng dịch Covid-19 trong dịp Tết trung thu:

- Tự giác thực hiện các biện pháp phòng dịch theo đúng hướng dẫn của những nơi bạn đến như kiểm tra nhiệt độ, xịt tay sát khuẩn.

- Tuân thủ quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

- Hạn chế cầm, nắm, chạm trực tiếp vào những khu vực chung như: tay cầm, cánh cửa, tay nắm cầu thang, nút bấm thang máy…

- Rửa sạch tay bằng xà phòng hoặc dùng gel rửa tay khô ngay khi có tiếp xúc với các bề mặt nơi công cộng.

- Không đến những địa điểm vui chơi, giải trí nếu có biểu hiện mệt mỏi, hoặc có các triệu chứng như: ho, sốt, khó thở.

- Nếu có vấn đề về sức khỏe, cần thông báo ngay với nhân viên tại điểm đến hoặc liên hệ với hotline của cơ quan y tế để được tư vấn, hỗ trợ.

Đường dây nóng phòng, chống dịch Covid-19 của Bô Y tế: 19003228

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn