Thượng tọa Thích Minh Thiệt dù đã 96 tuổi nhưng mỗi khi được hỏi chuyện về Bác Hồ lúc ở đây, ông trở nên hoạt bát và sôi nổi. Người trụ trì chùa Phước An kể, sư phụ của mình truyền lại rằng, khoảng tháng 8/1910 (mốc thời gian này cũng đã được ghi nhận tại một cuộc Hội thảo về Bác do Bộ VHTTDL tổ chức - PV), thanh niên Nguyễn Tất Thành mang theo thư giới thiệu của cha - cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - bí mật từ miền Trung vào gặp nhà yêu nước Trương Gia Mô (1866 – 1929, con của Tuần vũ Thuận Khánh, Trương Gia Hội) tại làng Hà Thủy, Duồng (Xã Chí Công ngày nay). Cụ Trương Gia Mô là người có uy tín ở phía bắc tỉnh Bình Thuận, tích cực vận động canh tân đất nước theo chí hướng của nhà yêu nước Phan Chu Trinh.
Duồng là vùng đất ven biển có lượng mưa trung bình năm ít nhất nước nhưng lại nổi tiếng với nghề làm muối ăn và câu mực bằng thuyền thúng. Vào những năm đầu thế kỷ 20, Duồng còn được nhiều nơi biết đến vì có những đoàn ghe bầu dong buồm rẽ sóng vượt trùng dương vào tận các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mang nước mắm, sản vật biển vào buôn bán, đổi lấy lụa Mỹ A, tủ thờ Gò Công… Duồng có những thương gia là thành viên của "Liên Thành thương quán".
Đến Duồng, bác được cụ Trương Gia Mô gửi ở chùa Phước An. Chùa có vị trí rất đẹp, lưng dựa vách đá, chánh điện hướng ra biển. Tại đây, bác thường đàm đạo chuyện thế sự với cụ Trương Gia Mô và hay hỏi chuyện sư trụ trì về đời sống của người dân. Bác rất ưu tư về hình ảnh "công nhân" cực nhọc bao ngày để gánh được gánh muối phải gồng mình gánh cả "sưu cao".
Ở chùa Phước An, Bác thường nằm nghỉ trên bộ ván gỗ đơn sơ. Tại đây, trước khi được cụ Trương Gia Mô đưa vào Phan Thiết giới thiệu với cụ Hồ Tá Bang để vào dạy học tại trường Dục Thanh, Bác đã kịp trồng phía sau chùa một cây khế. "Bác nói với sư trụ trì khi đó, thời tiết ở Duồng rất khắc nghiệt, ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy phải tìm cách trồng nhiều cây xanh cho mát. Có sức khỏe tốt làm việc mới hiệu quả", Thượng Tọa Thích Minh Thiệt nhớ lại lời kể của sư phụ mình về Bác.
Cây khế sau vườn đã hơn 100 tuổi, nơi bác nghỉ giờ có thêm bàn thờ để người dân xã Chí Công mỗi dịp lễ, tết, đặc biệt là tháng 5, đến viếng Người. Khu mộ cụ Trương Gia Mô cũng đã được tôn tạo rất thuận lợi cho du khách đến tìm hiểu. "Chí Công nằm trên đường kinh tế, xã hội ven biển, ở giữa 2 điểm đến nổi tiếng là trường Dục Thanh (Phan Thiết) và chùa Hang với bãi đá 7 màu. Chí Công còn có danh thắng Gành Son nổi tiếng. Ở đây lại có nhiều khách sạn, nhà nghỉ, quán ẩm thực đặc sản với giá cả cạnh tranh rất phù hợp cho các tour du lịch trải nghiệm, nhất là phượt. Nhưng địa chỉ "đỏ" này dường như bị bỏ "quên" đã lâu. Tôi nghĩ nếu "đẩy" được điểm này lên sẽ góp phần tạo ra sản phẩm mới thu hút cho du lịch Bình Thuận", ông Cao Hoàng Thái, nguyên Chủ tịch UBND xã Chí Công hiến kế.
Trao đổi với phóng viên báo PNVN, ông Võ Thành Huy, Phó giám đốc Sở VHTTDL Bình Thuận, cho biết: Tỉnh đang có kế hoạch đưa chùa Phước An vào giới thiệu là một điểm đến mới, thú vị để khách tìm hiểu thêm về Bác cho thời kỳ du lịch "hậu covid". Với trường Dục Thanh, mỗi năm, Bình Thuận đón trên 160.000 lượt khách. Chúng tôi hy vọng, từng bước, chùa Phước An sẽ có con số khách ấn tượng như vậy. Trước mắt, khi khách đến trường Dục Thanh, chúng tôi sẽ giới thiệu thêm về Bác ở chùa Phước An. Đó sẽ là "Nơi Bác dừng chân thứ 2 ở Bình Thuận".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn